A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ đề nghị khoan hồng đặc biệt trong vụ AIC: Pháp luật quy định ra sao?

Trong phiên toà xét xử 36 bị cáo vụ Công AIC thông thầu, nhiều luật sư đề nghị thân chủ được hưởng chính sách "khoan hồng đặc biệt".

Từ đề nghị khoan hồng đặc biệt trong vụ AIC: Pháp luật quy định ra sao?

Phiên toà xét xử 36 bị cáo trong vụ án Công ty AIC thông thầu. Ảnh: Hà Hùng

Trong số này có bị cáo Trần Đình Thành - cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai bị Viện KSND Hà Nội đề nghị mức án 10-11 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Thành nhận 14,5 tỉ đồng từ Chủ tịch Công ty AIC để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng thầu tại Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Trước đề nghị trên, luật sư bào chữa cho ông Thành nêu, thân chủ nhận tiền trước giai đoạn diễn ra việc đấu thầu thiết bị y tế ở Dự án Bệnh viện Đồng Nai.

Tại phần bào chữa, luật sư cho rằng thân chủ của mình đã tuổi cao, nhiều bệnh và đề nghị HĐXX cho ông Thành có được bản án thể hiện sự "khoan hồng đặc biệt", để bị cáo có thể rút ngắn thời gian thụ án, có thể trở về đóng góp cho xã hội, giáo dục con cháu đừng đi theo vết xe đổ của mình.

Bị cáo thứ hai cũng được luật sư bào chữa, đề nghị HĐXX áp dụng chính sách "khoan hồng đặc biệt" khi quyết định mức hình phạt cho thân chủ. Đó là bị cáo Lê Thị Bích Thủy (bị đề nghị 30-36 tháng tù treo tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng) - Giám đốc Công ty TNT.

Luật sư đề nghị toà xem xét các đóng góp đặc biệt của bị cáo Thuỷ cho xã hội để Hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng mức hình phạt vừa thể hiện sự khoan hồng vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cho bị cáo Thủy. 

Bị cáo thứ ba là Phan Huy Anh Vũ - cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ngoài đề nghị toà xem xét cho thân chủ không phạm tội "Nhận hối lộ", luật sư cũng mong muốn HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt với ông này khi cáo buộc tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, chính sách khoan hồng là cơ chế mà Nhà nước ban hành thể hiện sự nhân đạo, bao dung với người phạm tội trong vụ án hình sự; tạo cơ hội cho họ có cơ hội được hưởng những hình phạt mang tính chất giảm nhẹ, có lợi nhất.

Tại Điều 31 Bộ Luật Hình sự năm 2015 khẳng định, mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Bên cạnh đó tại Điều 50 Bộ Luật Hình sự 2015 nêu rõ, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ Luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

"Chính sách khoan hồng đã được vận dụng và lồng ghép trong chủ trương, chính sách xét xử, nguyên tắc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội như trên", luật sư Khuyên cho biết.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đồng - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích thêm, chính sách khoan hồng được cụ thể hóa trong các hình phạt như: Phạt tù cho hưởng án treo - cụ thể khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo.

Chính sách khác như: Cải tạo không giam giữ; Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt; Đặc xá; Miễn chấp hành hình phạt... là những chính sách nhân đạo đặc biệt được áp dụng trong tố tụng hình sự hiện nay.

Theo luật sư Đồng, "Chính sách khoan hồng đặc biệt" là mong muốn, nguyện vọng, đề xuất của người bào chữa cho các bị cáo mong muốn áp dụng. Họ mong muốn thân chủ của mình (các bị cáo) sẽ được hưởng hình phạt nhẹ nhất có thể, xuất phát từ những tình tiết thể hiện sự ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, có công, phạm tội do hoàn cảnh khách quan, nhiều tình tiết giảm nhẹ…

Nếu vận dụng các tình tiết này vào tội danh và hình phạt cụ thể mong muốn hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng hình phạt nhẹ hơn mức bình thường (do họ có các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt)...

Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay không hề có khái niệm "chính sách khoan hồng đặc biệt".

Các yêu cầu của chính sách xử lý tội phạm theo luật hình sự Việt Nam là xử lý tội phạm phải tuân thủ pháp chế, đảm bảo sự bình đẳng nhưng phải có sự phân hoá (nghiêm trị kết hợp với khoan hồng) và phải thể hiện tính giáo dục, tính nhân đạo.

Trong chính sách xử lý tội phạm, nguyên tắc phân hoá này được thể hiện ở chỗ phải có sự phân biệt trong xử lý đối với những đối tượng phạm tội khác nhau - có đối tượng phải nghiêm trị và có đối tượng cần phải được khoan hồng.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đã được thể chế hóa trong quy định Bộ Luật Hình sự hiện hành là khoan hồng và nhân đạo đối với người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

"Đó là chủ trương đường lối và là chính sách khoan hồng mà Đảng và Nhà nước ta đang áp dụng", luật sư Đồng cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật