A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khuyến cáo người dân tránh bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động việc nhẹ lương cao

Nghệ An - Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của không ít người với chiêu bài môi giới xuất khẩu lao động “việc nhẹ, lương cao”, giải quyết thủ tục nhanh chóng.

Khuyến cáo người dân tránh bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động việc nhẹ lương cao

Cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An tư vấn cơ hội việc làm và xuất khẩu lao động cho người dân trong phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Đình Tuyên

Tiền mất tật mang

Mặc dù không có công ăn việc làm ổn định, không có bằng cấp nhưng Trần Thị Thủy (tạm trú tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lại “nổ” là luật sư nhằm tạo niềm tin để lừa đảo người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Úc, Anh, Mỹ... với giá rẻ.

Đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động Trần Thị Thủy tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an Nghệ An

Đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động Trần Thị Thủy tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an Nghệ An

Anh Nguyễn Như Hóa (trú tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc) cho biết: “Với đơn giá chỉ có 300 triệu đồng cùng với lời giới thiệu, tôi cũng tin tưởng nên giới thiệu Thủy với anh, chị, em ruột, con cô, con cậu trong gia đình, tất cả 12 người. Họ đã đóng cho bà Thủy 1,8 tỉ đồng. Thậm chí, có người thân của tôi còn đưa cả bìa đất cho bà này”.

Gia đình bà Đậu Thị Quế ở xóm Kẻ Móng (xã Châu Bình huyện Quỳ Châu) phải bán đi tài sản cuối cùng và vay mượn thêm để có số tiền hơn 150 triệu đồng chuộc con trai sinh năm 1997 bị lừa đưa sang Myanmar làm việc.

Cùng với con trai bà Quế, xóm còn có 3 người cũng bị lừa và gia đình phải chuyển đủ tiền sang thì con họ mới được thả về.

Công an đọc bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an Nghệ An

Công an đọc bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an Nghệ An

Anh Lê Viết Mạnh ở khối 6, thị trấn Hưng Nguyên thế chấp nhà cửa, vay ngân hàng 550 triệu đồng để đưa cho môi giới với mục đích đi XKLĐ tại New Zealand.

Anh Mạnh cho hay: “Họ bảo không phải học tiếng hay học nghề, sang làm thợ sơn 1 tiếng 28 đô la, một tháng thu nhập 50-70 triệu đồng, thấy như thế cũng khỏe, thu nhập cao mà lại đi nhanh nên tôi tin tưởng”.

Dù đã nhận được hình ảnh về visa, vé máy bay đi nước ngoài có tên mình, nhưng anh Mạnh chờ mãi không được bay, tìm hiểu thì phát hiện đó là các hình ảnh photoshop.

Liên quan vụ việc, người môi giới là bà Nguyễn Thị Kim Thoa ở TP Vinh cũng là nạn nhân. Bà Thoa nhận tiền, hồ sơ của nhiều người có nhu cầu đi XKLĐ sau đó chuyển cho Trần Thị Hằng Nga (sinh năm 1984, trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) để làm thủ tục XKLĐ cho khách.

Các hình ảnh về visa, vé máy bay đều do Nga cung cấp, sau đó bà Thoa chuyển tiếp tới người lao động. Bà Thoa cho biết: “Tôi gửi bà Nga từ 100 đến 150 bộ hồ sơ, với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng”.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã bắt Trần Thị Hằng Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, hơn 500 công dân có nhu cầu đi XKLĐ đã được giới thiệu và gửi hồ sơ cho Nga để làm thủ tục, và nộp cho người này hơn 20 tỉ đồng.

Khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Long - giám đốc một đơn vị tư vấn du học -– xuất khẩu lao động tại TP Vinh - cho biết: “Nhiều người dân thiếu thông tin, có tâm lý mong muốn xuất khẩu lao động thủ tục đơn giản, sang nước ngoài làm việc nhẹ lương cao, chi phí thấp. Do đó họ tìm đến các cá nhân môi giới mà không tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan, người này giới thiệu cho người kia, do đó dễ dàng rơi vào bẫy của bọn lừa đảo”.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An) - cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường cảnh báo, tuyên truyền đến người lao động cảnh giác với các tổ chức cá nhân lừa đảo XKLĐ.

“Theo quy định, khi các đơn vị muốn về tuyển dụng XKLĐ thì Sở sẽ kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về cho các huyện. Nếu đơn vị nào không có giấy giới thiệu là hoạt động trái phép. Sở đã khuyến cáo khi có cá nhân, tổ chức về địa phương tuyển dụng việc làm thì yêu cầu họ phải xuất trình các giấy tờ liên quan, giấy giới thiệu của Sở LĐTBXH, của huyện”, ông Trần Phi Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, các tổ chức, cá nhân lừa đảo XKLĐ sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên điều quan trọng hàng đầu là người dân cần cảnh giác, nâng cao hiểu biết, có lựa chọn đúng để tránh rơi vào bẫy lừa đảo XKLĐ việc nhẹ lương cao.

Nghệ An hiện có 25 doanh nghiệp, công ty được Sở LĐTBXH tỉnh cấp phép tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài. Ngoài ra có 54 công ty, doanh nghiệp được Bộ LĐTBXH cấp phép và được Sở giới thiệu tuyển dụng tại tỉnh Nghệ An. Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Nghệ An đã có trên 7.000 người đi làm việc tại nước ngoài theo đường chính ngạch. Tổng cộng, tỉnh Nghệ An có hơn 80.000 lao động đang làm việc hợp pháp tại các nước trên thế giới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan