A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dàn cảnh bắt cóc, mạo danh quan chức Trung Quốc để tống tiền

Thanh niên 22 tuổi ở Singapore bị bắt vì tình nghi liên quan vụ dàn dựng bắt cóc, mạo danh giới chức Trung Quốc để đòi tiền chuộc.

Thẻ cảnh sát Trung Quốc giả được sử dụng trong vụ lừa đảo. Ảnh: SPF.

Thông cáo báo chí của cảnh sát Singapore ngày 18/10 cho biết một cặp vợ chồng ở Trung Quốc bất ngờ nhận được đoạn video quay cảnh con gái 19 tuổi của họ bị trói tay chân, miệng dán băng keo, kèm theo yêu cầu đòi tiền chuộc từ một người không rõ danh tính. Cảnh sát sau đó tìm ra tung tích cô gái hôm 14/10 với kết quả bất ngờ.

"Nạn nhân cuối cùng được tìm thấy an toàn trong một căn hộ ở thị trấn Woodlands, phía bắc Singapore. Người đàn ông thuê căn hộ sau đó bị bắt giữ", cảnh sát Singapore cho biết.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, nạn nhân nhận được cuộc gọi từ số lạ. Người gọi xưng là quan chức Bộ Y tế Singapore. Người này nói rằng cô có bưu kiện bị giữ ở hải quan, bên trong chứa thuốc Covid-19 bất hợp pháp. Sau đó, nạn nhân được nối máy với người khác, xưng là cảnh sát Trung Quốc để điều tra, theo CNA.

Theo thông cáo, đây là những kẻ lừa đảo, mạo danh quan chức Singapore và Trung Quốc.

"Kẻ lừa đảo cáo buộc thẻ ngân hàng mang tên nạn nhân có liên quan đến hoạt động rửa tiền ở Trung Quốc. Kết quả là các thẻ ngân hàng của cô và cha mẹ cô sẽ bị đóng băng", theo nội dung thông cáo.

gia mao canh sat anh 1

 

Tài liệu giả được sử dụng trong vụ mạo danh quan chức Trung Quốc. Ảnh: SPF.

Nạn nhân đã chuyển 170.000 SGD (120.000 USD) tiền đặt cọc đến tài khoản của kẻ giả mạo để vụ việc được giải quyết nhanh chóng. Ngoài ra, làm theo hướng dẫn, cô gái đã quay video cảnh mình bị trói chân tay để giả vờ bị bắt. Theo lời kẻ giả mạo, đoạn video cần cho cuộc điều tra để dụ và bắt các thành viên khác.

"Ngày 13/10, kẻ lừa đảo hướng dẫn nạn nhân tự cách ly bản thân và không giao tiếp với bất cứ ai để phục vụ cuộc điều tra", thông cáo cho biết.

Người đàn ông 22 tuổi cố tình làm theo chỉ dẫn của "cảnh sát", thuê phòng cho nạn nhân và giao thẻ SIM để cô liên lạc với kẻ lừa đảo. Hiện anh ta đã bị bắt giữ vì tình khi liên quan đến vụ lừa đảo. Vụ bắt cóc được kết luận là dàn dựng. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra.

Từ tháng 1 đến tháng 9, có tổng cộng 548 vụ lừa đảo mạo danh quan chức Trung Quốc đã được báo cáo, tổng thiệt hại ít nhất 67,9 triệu SGD (khoảng 47,8 triệu USD). Riêng trong tháng 9, có 70 vụ được ghi nhận, thiệt hại hơn 10 triệu SGD (khoảng 7 triệu USD).

Cảnh sát Singapore khẳng định cảnh sát Trung Quốc, Interpol và bất cứ cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài nào đều không có thẩm quyền điều tra dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Singapore.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan