A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiếm quyền tài khoản xã hội để lừa đảo: Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Hiện nay, thủ đoạn lợi dụng Facebook, Zalo để lừa đảo đã được số đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi khiến nhiều người sập bẫy. Trong đó có phương thức chiếm quyền các tài khoản xã hội để vay mượn tiền bạc... chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.

Ba bị can trong vụ chiếm quyền Facebook lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng ở Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: CANA

Những nạn nhân mới

Nhắc đến hành vi chiếm quyền tài khoản Facebook, Zalo, lực lượng chức năng cho hay không phải mới, xuất hiện từ vài năm trở lại đây, song tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp và có nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.

Mới đây, anh C (ở Hà Nội) công tác tại một tờ báo trở thành nạn nhân của nhóm tội phạm lừa đảo qua Facebook. Anh C cho biết, hôm đó, tài khoản Facebook của một người em nhắn tin hỏi "vay nóng mấy triệu". Trong lúc lơ là, không để ý, anh hỏi số tài khoản của người em này và chuyển 5 triệu xong sau đó mới biết bị lừa. Người em của anh đã bị kẻ gian hack, chiếm quyền sử dụng Facebook trước đó.

Anh C cũng chỉ là một trong số nhiều nạn nhân mới của tội phạm công nghệ cao. Hôm 26/9, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ngãi thông tin triệt phá nhóm lừa đảo qua mạng xã hội Zalo, Facebook, chiếm đoạt gần 15 tỉ đồng.

Điều đặc biệt, 3 đối tượng được cảnh sát làm rõ còn khá nhỏ tuổi, trong đó, đối tượng Hoàng Mạnh Quỳnh (16 tuổi), Hoàng Thanh Sơn (18 tuổi), đều thường trú tại thị xã Quảng Trị và Lê Văn Hữu Thứ (15 tuổi), trú tại huyện Hải Lăng.

 

Nhóm hacker tuổi teen này thừa nhận, để có tiền tiêu xài cá nhân, mua sắm đồ hiệu, ăn chơi, du lịch, các đối tượng đã tìm kiếm những tài khoản Facebook cá nhân chính chủ, có nhiều bạn bè, sau đó tạo lập tài khoản Facebook giả mạo trùng tên với tài khoản Facebook thật, với ảnh đại diện, ảnh bìa, một số thông tin cá nhân công khai và dùng tài khoản này kết bạn với những người trong danh sách bạn bè của các tài khoản Facebook thật.

Sau khi kết bạn thành công, Quỳnh và Thứ gửi đường link www.edusbinhchonanhdepkidsvietnam.weebly.com để bình chọn ảnh đẹp với các mục ghi thông tin gồm số điện thoại đăng ký tài khoản Zalo, Facebook, họ tên người bình chọn, mã số hình ảnh, mã OTP xác thực mật khẩu… để chủ tài khoản mạng xã hội nhập các thông tin.

Qua đó, Quỳnh và Thứ sẽ chiếm quyền kiểm soát các tài khoản Zalo, Facebook, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin mượn tiền, chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do Quỳnh, Thứ cung cấp. Khi người bị hại chuyển tiền vào, Quỳnh và Thứ nhanh chóng chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, rồi nhờ Sơn nhận, rút tiền để chia nhau tiêu xài cá nhân.

Giữa tháng 8, Toà án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Hoàng Thanh Sang (22 tuổi) và Nguyễn Minh Vũ (32 tuổi), cùng trú tại tỉnh Quảng Trị, về các tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Sang đã hack tài khoản Facebook của người dùng ở nhiều tỉnh, thành. Sau đó, Sang dùng các tài khoản này liên lạc, nhắn tin đến người thân của họ để mượn tiền, hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các trang web chuyển tiền quốc tế do đối tượng tự tạo ra để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại. 

Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, Sang đã thiết kế một website có tên miền "Albumanhdep.weely.com" trên mạng rồi nhắn kèm đường link cho các tài khoản Facebook qua ứng dụng Messenger. Khi có người truy cập vào và điền đầy đủ thông tin cá nhân vào đường link này, các thông tin đó sẽ được chuyển vào website trên, từ đó Sang chiếm quyền kiểm soát tài khoản các Facebook này, lừa đảo được hơn 1,5 tỉ đồng.

Khi các nạn nhân mắc bẫy, chuyển tiền vào các tài khoản do Vũ cung cấp, cả hai rút ra, chia nhau tiêu xài. Sang và Vũ đã bị tuyên phạt mức án lần lượt là 13 năm và 15 năm 6 tháng tù giam.

Cẩn trọng với những lời vay tiền bất thường

Trước tình trạng tội phạm lừa đảo công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần thận trọng trong giao dịch chuyển tiền, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người không hề hay biết, không chia sẻ thông tin căn cước công dân lên mạng xã hội, tuyệt đối không nhấp vào các đường link mà các đối tượng gửi về qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại…

Trong khi đó, trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an - cho biết, để đối tượng lừa đảo được chính là người sử dụng Facebook mất cảnh giác.

Theo Cục trưởng C02, người dân trước khi nhận được các yêu cầu, giúp đỡ, một là cần phải nghiên cứu kỹ các thông tin xem có gì bất thường hay không. Thứ hai, đặc biệt cần xem xét những người chưa bao giờ vay mượn tiền, nhờ vả mình mà giờ lại hỏi, điều này là bất thường, cần phải kiểm tra lại. Thứ ba, khi chuyển tiền, có những thông tin vậy thì cũng cần phải kiểm tra lại trước khi chuyển tiền. 

Trong thời kỳ công nghệ phát triển, mạng xã hội trở thành nhu cầu thường xuyên của người dân, các đối tượng tội phạm cũng liên tục nghiên cứu tìm ra những lỗ hổng cũng như sự mất cảnh giác của người sử dụng. Chúng tìm những bí mật thông tin của người dùng mạng xã hội để khai thác, lợi dụng phạm tội, chiếm đoạt.

"Cho nên, tôi muốn khuyến cáo với người dân là không nên sử dụng tài khoản mạng xã hội để đưa những thông tin cá nhân của mình. Khi tham gia vào các nhóm trên mạng xã hội, người ta nên lựa chọn, không vào đại trà" - ông Hà cho biết.

Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Văn Tiến - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: "Hành vi chiếm đoạt Facebook để mạo danh, lừa đảo tài sản vi phạm nghiêm trọng điều 290 BLHS về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" và có thể bị phạt tù từ cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc 6 tháng đến 20 năm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật