Tôn vinh di sản áo dài truyền thống
Sau nhiều vòng thi, đêm chung kết Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam năm 2024 đã khép lại, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc.
Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam lần đầu được tổ chức. |
Không đơn thuần chỉ là cuộc thi sắc đẹp, cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam còn là hành trình khám phá và tôn vinh di sản thông qua nét đẹp truyền thống.
Nâng tầm áo dài thành “vật phẩm văn hóa”
Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam do UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tổ chức nhân chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây, 70 năm Ngày giải phóng Sơn Tây và 555 năm danh xưng Sơn Tây.
Cuộc thi nhằm tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp của người phụ nữ qua những chiếc áo dài qua từng thời kỳ và nâng tầm áo dài thành một “vật phẩm văn hóa” trong ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam.
Sau nhiều vòng thi, đêm chung kết Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam năm 2024 đã khép lại, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc đối với những người yêu mến tà áo dài. Những màn trình diễn không chỉ là sự hòa quyện giữa nghệ thuật và văn hóa, mà còn khơi dậy niềm tự hào, đưa khán giả đến gần hơn với nét đẹp tinh tế và lâu đời của áo dài Việt Nam.
Khác biệt so với các cuộc thi sắc đẹp, cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam có lẽ kén khán giả, nhưng đồng thời lại thu hút sự quan tâm rất lớn của giới nghiên cứu văn hóa, các nhà thiết kế và giới cổ phục Việt Nam. Tất cả gợi mở cho cuộc thi đi vào chiều sâu văn hóa hơn là vẻ đẹp hình thể bên ngoài.
Có lẽ vì thế mà ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, Trưởng ban Tổ chức cho rằng, cuộc thi là hành trình tìm kiếm những tâm hồn đẹp, mong muốn tìm ra những người phụ nữ có thể trở thành đại sứ văn hóa, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu áo dài đến cộng đồng, góp phần thực hiện hóa ý tưởng xây dựng hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam đi sâu vào tiềm thức của bạn bè quốc tế. Không chỉ là văn hóa mặc, văn hóa giao tiếp luôn làm say lòng du khách bốn phương, mà còn là biểu tượng văn hóa đặc sắc và là tác phẩm nghệ thuật thời trang đương đại độc đáo.
Đặc biệt lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã hòa hợp với không gian văn hóa xứ Đoài – nơi dày đặc các di tích lịch sử, cảnh quan cổ kính, tươi đẹp với làng cổ, với tường đá ong, với thành cổ. Sơn Tây là vùng đất cổ, thuộc bộ Giao Chỉ – một trong 15 bộ của nước Văn Lang – Âu Lạc thời Hùng Vương – An Dương Vương. Sau này, Sơn Tây là một trong “tứ trấn”, là đất phên dậu bảo vệ xung quanh kinh thành Thăng Long.
Vùng đất ấy còn được gọi là trấn Đoài (hay xứ Đoài), là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi duy nhất của cả nước “một ấp sinh hai vua”: Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Tiền Ngô vương Ngô Quyền cùng nhiều bậc danh nhân hiền tài khác. Tên gọi Sơn Tây chính thức ra đời năm 1469, đến nay danh xưng ấy đã tồn tại 555 năm.
TS Đặng Thị Bích Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam cho biết, áo dài gắn với nét đẹp phụ nữ Việt, là di sản văn hóa của dân tộc, cũng là sự tự hào của người phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế.
Lúc còn đương nhiệm, mỗi khi tham dự họp với hội đồng UNESCO, bà đều mặc áo dài như một cách để định hình văn hóa truyền thống. Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam không chỉ nâng tầm áo dài thành một “vật phẩm văn hóa” trong ngoại giao, mà còn quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp riêng có của người phụ nữ Việt Nam.
“Di sản kép” trong tà áo dài
Theo giới chuyên gia, bản thân áo dài Việt Nam đã được xem là một di sản, nhưng trong nhiều thiết kế đương đại, di sản ấy được “nhân đôi” khi lồng ghép các danh tích, thắng cảnh đặc trưng. Tại chung kết cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam, yếu tố “di sản kép” tiếp tục được phát huy trong bộ sưu tập áo dài “Về với cội nguồn”.
Bộ sưu tập do nhà thiết kế Thoa Trần thực hiện, tái hiện bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp của khu di tích lịch sử Đền Hùng - biểu tượng 0thiêng liêng của cội nguồn dân tộc. Trên nền lụa mềm mại, từng chi tiết của các ngôi đền, cổng chính và khung cảnh hùng vĩ của núi Nghĩa Lĩnh được khắc họa tinh xảo, mang theo hồn thiêng sông núi và lòng tự hào sâu sắc về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên.
Để thiết kế bộ sưu tập này, nhà thiết kế Thoa Trần đã phối hợp cùng nhà sử học Lê Văn Lan để lựa chọn những chi tiết đúng nhất và đắt nhất, để khi 5 thiết kế được ghép lại tạo thành tổng thể di tích lịch sử Đền Hùng hài hòa và trang nghiêm.
“Tác phẩm không chỉ là trang phục, mà còn là thông điệp sâu sắc gửi đến cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở mỗi người Việt Nam nhớ về cội nguồn và giá trị di sản vô giá của đất nước”, nhà thiết kế Thoa Trần chia sẻ.
Bên cạnh di tích Đền Hùng, nhà thiết kế cũng dành những thiết kế đặc biệt lấy cảm hứng từ di sản văn hóa xứ Đoài. Từng đường nét thêu tay tỉ mỉ trên tà áo dài khắc họa rõ nét hình ảnh Thành cổ Sơn Tây và cổng làng cổ Đường Lâm.
Sau đêm chung kết, bộ áo dài đã được trao tặng cho người đạt ngôi vị cao nhất của cuộc thi là hoa hậu Hoàng Châu Anh - một hoa hậu không chỉ mang vẻ đẹp ngoại hình, mà còn sở hữu trái tim trân quý di sản văn hóa.
Ngoài ra, cuộc thi còn xuất hiện các bộ sưu tập áo dài mang đậm dấu ấn văn hóa với họa tiết hoa sen, hoa văn trống đồng Đông Sơn - những di sản biểu tượng cho nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, giúp các bạn trẻ hiểu thêm về văn hóa dân tộc và trân quý hơn những giá trị truyền thống, để tự tin và tỏa sáng trên hành trình gìn giữ và phát huy – đưa áo dài trở thành Quốc phục, niềm tự hào của người Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam, nước ta đang thực hiện các thủ tục để hướng tới việc đưa áo dài trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa là đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới. Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam sẽ là điểm nhấn và đóng góp tích cực trong quá trình lập hồ sơ.