A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thợ lành nghề và văn nghệ sĩ

Ông làm việc cực kỳ hà khắc và kỷ luật theo một chế độ riêng, sáng dậy tập thể dục, ăn sáng rồi ngồi bàn viết, nghỉ trưa xong, chiều đi cà phê, trà đá tán gẫu với bạn bè rồi tối lại viết đến đêm. Ông phân định ra rõ ràng mốc thời gian cho từng công việc và hầu như không vi phạm. Đến khi có những việc đột xuất xảy ra, ông khó chịu lắm vì nó làm ông cảm thấy lãng phí. Lần đi trại sáng tác văn học của mấy tỉnh phía Bắc cũng thế, buổi sáng ăn xong thường ông về phòng viết nhưng hôm đó bùi tai nghe anh rủ đi cà phê.

Ông giao hẹn trước: Chỉ ngồi 20 phút thôi nhé, nhưng rồi ngồi “chém” về mảng đề tài công chức đang theo khiến ông hào hứng, quên cả thời gian. Giật mình nhìn đồng hồ thì đã quá 10 phút, ông bứt rứt lắm, đi như chạy về phòng. Mấy người bạn nhìn ông thở dài. Thực ra, cuộc sống của ông cũng thuộc diện khá giả, nhưng như ông nói do “Trời hành”, ông mê đến mức nghiện viết. Là nhà văn sở trường viết tiểu thuyết nhưng ông còn viết truyện ngắn, làm thơ, viết tản văn… và cũng viết báo “ác liệt” từ bài phê bình đến bút ký, chả thua gì một nhà báo chuyên nghiệp. Tuần nào, không có sản phẩm đăng báo là ông thấy mình như vô dụng. Tác phẩm của ông dày cả mấy gang tay nhưng nếu kể ra một tác phẩm để nhớ thì người ta sẽ im lặng!

Bạn ông bảo: Ông làm ít đi, chỉ tập trung vào viết tiểu thuyết thì sẽ thành công; nhưng anh lại nghĩ khác: Tạng ông phải viết nhiều, làm nhiều như thế. Chắc gì viết ít hơn đã hay hơn. Cũng như có những người tưởng mình là nhà văn nhưng thực chất chỉ là thợ viết. Nhà văn cần trí tưởng tượng, sự hư cấu và thái độ lao động chuyên nghiệp, tập trung như hình ảnh que diêm được soi lúp bùng cháy dưới ánh nắng mặt trời. Với họ, dĩ nhiên số lượng là một chỉ số nhưng chất lượng mới là điều đáng nói, cũng như phong cách của tác giả mới là điều quan trọng nhất.

Anh nhớ đến cậu nhiếp ảnh ở gần nhà, luôn đi chụp thực hiện những bộ ảnh trừu tượng, giàu biểu cảm nhưng nhiều khi anh xem chả hiểu gì. Có lần anh hỏi ý tưởng cậu ta nói ra, anh mới giật mình vì sự tinh tế và chiều sâu trong tác phẩm của cậu. Có lần cậu bảo anh: Với một nghệ sĩ sáng tạo là quan trọng nhất, bắt chước người khác và lặp lại chính mình là điều tệ hại nhất. Thợ lành nghề và nghệ sĩ khác nhau là ở chỗ đó.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan