A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những miền quê thương nhớ trong kí ức của nhà báo Ngô Bá Lục

Nhà báo Ngô Bá Lục vừa cho ra mắt độc giả cuốn tản văn có tựa đề "Vằng vặc trăng quê". Đây là cuốn tản văn thứ 3 của anh viết về những ký ức xưa cũ với những phong tục tập quán đậm chất Bắc Bộ. Cùng với "Gió đồng hun hút" và "Hoài niệm Tết xưa", đây là những trang văn thấm đẫm niềm thương nhớ về miền quê đong đầy trong hoài niệm.

Buổi ra mắt sách "Vằng vặc trăng quê" của nhà báo Ngô Bá Lục thu hút sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, người nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực như ca nhạc, điện ảnh, sân khấu, truyền hình, thời trang, văn học…

Những miền quê thương nhớ trong kí ức của nhà báo Ngô Bá Lục
Đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng đến tham dự buổi ra mắt cuốn sách "Vằng vặc trăng quê" của nhà báo Ngô Bá Lục

Có thể kể đến những cái tên như NSND Lan Hương, NSND Thái Bảo, NSND Phạm Phương Thảo, vợ chồng NSND Thu Huyền - Tấn Minh, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Hồng Liên, ca sĩ Thanh Thanh Hiền, ca sĩ Ngọc Khuê, ca sĩ Minh Chuyên, MC Mỹ Vân, MC Lê Anh, ca sĩ Việt Tú, ca sĩ Huyền Trang, ca sĩ Nguyễn Khánh Ly, ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh, NTK Hà Duy, nhóm Oplus, siêu mẫu Hạ Vy…

Những miền quê thương nhớ trong kí ức của nhà báo Ngô Bá Lục

Họ không chỉ tới chúc mừng tác giả mà còn mua sách hoặc trực tiếp ủng hộ vào Quỹ Gió đồng để cùng nhà báo Ngô Bá Lục chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ nên Ngô Bá Lục được sống trong một cái nôi văn hoá với rất nhiều phong tục, tập quán đậm đà bản sắc.

Ở nơi làng quê ấy có những phong cảnh thiên nhiên hữu tình, đó là dòng sông Cầu uốn quanh làng, cánh đồng lúa bao la bát ngát, con đò ngang với bến đò có cây gạo tháng ba đỏ rực hoa hay những mái đình cong vút, những ngôi chùa cổ kính nằm dưới những tán đa, tán si cổ thụ um tùm…

Những miền quê thương nhớ trong kí ức của nhà báo Ngô Bá Lục

Biết bao những phong tục như đám hỏi, đám cưới… đặc biệt là Tết Nguyên đán đậm đà bản sắc Việt mà vẫn mang những nét riêng biệt, đặc trưng vùng châu thổ sông Hồng.

Lối viết giản dị, mộc mạc, đời thường, thậm chí đôi chỗ câu văn còn “ngây ngô” nhưng đó lại chính là sự chân thật, “chân quê” như bản chất con người anh và đấy chính là điều khiến nhiều độc giả yêu thích cuốn sách này. Gần một nghìn cuốn đã được bán hết ngay trước buổi ra mắt sách, tất cả là do độc giả mua trên trang cá nhân của nhà báo Ngô Bá Lục.

Những miền quê thương nhớ trong kí ức của nhà báo Ngô Bá Lục
Cuốn sách "Vằng vặc trăng quê" của nhà báo Ngô Bá Lục

Độc giả, vốn là những người đã theo dõi Ngô Bá Lục trên nền tảng số từ lâu, họ đồng cảm với những câu chuyện anh viết trên trang cá nhân về mẹ, về cha, về anh em, họ hàng, về tình làng nghĩa xóm…

Do vậy, khi cuốn "Vằng vặc trăng quê" vẫn viết bằng ngôn ngữ ấy, lối kể chuyện ấy và đặc biệt là những câu chuyện thời thơ ấu, những phong tục tập quán mà hầu như ai sinh ra từ làng ở thế hệ 8x trở về trước đều đã trải qua… thì nó ngay lập tức nhận được sự đồng cảm của độc giả. Đọc sách, họ thấy hình ảnh mình trong đó, như một cuốn phim tua lại, thật sống động.

"Vằng vặc trăng quê" cho thấy sự chắc tay và bền bỉ với đề tài về miền quê thương nhớ của Ngô Bá Lục, đồng thời cũng cho thấy anh là một tác giả luôn được độc giả yêu mến.

Những miền quê thương nhớ trong kí ức của nhà báo Ngô Bá Lục
NSƯT Hồng Liên thể hiện một tác phẩm trong buổi ra mắt cuốn sách

Năm 2015, nhà báo Ngô Bá Lục phát hành cuốn tản văn đầu tay với tên gọi "Gió đồng hun hút" và cũng tạo được ấn tượng tốt với độc giả. Hai ngàn cuốn đã bán hết sau 3 tháng phát hành. Năm 2020 anh ra tiếp cuốn tản văn "Hoài niệm Tết quê xưa" với những câu chuyện về những cái Tết xưa cũ khơi gợi biết bao kỷ niệm đẹp dành cho độc giả.

Năm nay, cũng sau 5 năm, anh lại ra mắt cuốn tản văn thứ ba vẫn mang đầy chất quê này. Thật thú vị là cứ sau 5 năm anh lại ra một cuốn sách và đều phát hành vào tháng 12, đó cũng chính là lý do cuốn nào anh cũng viết rất nhiều về Tết Nguyên đán.

Nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ về cuốn sách của mình
Nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ về cuốn sách của mình

“Ngoài những câu chuyện đời thường như đi cày, đi cấy, cắt cỏ, trồng màu… những thứ đã gắn chặt với người nông dân bao năm nay, thì tôi viết nhiều về Tết Nguyên đán thông qua những kỷ niệm thực tế của bản thân.

Tôi muốn viết về Tết xưa, để người lớn có thể hồi tưởng lại quá khứ, mang lại những cảm xúc đẹp cho họ; còn với người trẻ, họ sẽ có một hình dung cơ bản về cái Tết Nguyên đán, để từ đó thêm hiểu, thêm yêu Tết cổ tryền của dân tộc” - nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.

Có một điều ý nghĩa là tiền bán cuốn sách "Vằng vặc trăng quê" sẽ được gây Quỹ Gió đồng do chính nhà báo Ngô Bá Lục thành lập. Anh cho biết: “Quỹ Gió đồng được thành lập từ năm 2016 từ chính từ tiền bán cuốn sách "Gió đồng hun hút".

Những nghệ sĩ cùng đóng góp cho hoạt động ý nghĩa
Những nghệ sĩ cùng đóng góp cho hoạt động ý nghĩa

Cho đến nay đã 8 năm liên tục, chiều 30 Tết nào tôi cũng vào Viện huyết học và truyền máu Trung ương để tặng quà lì xì cho các bệnh nhân nặng không được về nhà ăn Tết”.

Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ em khó khăn cũng được anh đứng ra kêu gọi hoặc trực tiếp ủng hộ từ quỹ Gió đồng trong suốt nhiều năm qua.

"Vằng vặc trăng quê" không đơn thuần là tản văn viết về ánh trăng quê, mà Ngô Bá Lục còn muốn nói về vẻ đẹp của mẹ anh - cũng giống như tất cả những người mẹ Việt Nam, được ví như ánh trăng quê, sáng ngời, trong trẻo và đức độ. Sách do công ty Đông Tây phối hợp sản xuất và Nhà xuất bản Dân trí ấn hành.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật