A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ thuật từ tranh lá thốt nốt ở An Giang

An Giang - Nhận thấy lợi ích từ lá cây thốt nốt, anh Nguyễn Vũ Linh (29 tuổi, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã tạo ra những bức tranh nghệ thuật, mang tính thẩm mỹ cao.

Cây thốt nốt gắn với đồng bào Khmer ở vùng Bảy Núi của huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang từ bao đời nay. Tuy nhiên, người dân chủ yếu sử dụng quả thốt nốt để bán sản xuất đường là chính, còn lá gần như chưa mang lại giá trị kinh tế cao.

Tận dụng nguồn nguyên liệu đó, anh Nguyễn Vũ Linh nảy ra ý tưởng cho ra mắt những bức tranh làm từ lá cây thốt nốt nâng giá trị lên gấp nhiều lần.

Những bức tranh làm từ lá thốt nốt của anh Linh. Ảnh: NVCC.

Những bức tranh làm từ lá thốt nốt của anh Linh. Ảnh: NVCC.

Anh Linh chia sẻ, năm 2020, anh thu mua lá về thử nghiệm. Với kỹ thuật sẵn có nhờ làm những sản phẩm thủ công từ tăm tre, tranh khắc gỗ… anh nghiên cứu áp dụng lên lá thốt nốt và thành công.

“Hầu hết lá thốt nốt từ xưa đến giờ, người dân ít khai thác bán, nếu bán thì chỉ bán cho một số ít người nuôi dơi lấy phân, nhưng với giá thấp. Nhưng khi tận dụng lá làm tranh thì giá trị nâng lên gấp nhiều lần, mỗi bức tranh được làm bằng lá thốt nốt có giá từ vài trăm nghìn, thậm chí lên đến hàng chục triệu đồng tùy kích cỡ, mẫu mã. Từ đó, tạo nên sản phẩm nghệ thuật đặc trưng mang dấu ấn địa phương”, anh Linh chia sẻ thêm.

Những sản phẩm được làm quà tặng. Ảnh: NVCC

Những sản phẩm được làm quà tặng. Ảnh: NVCC

Đến nay, anh Linh đã thành công tạo ra nhiều sản phẩm mới và có sự khác biệt, điển hình như các bức tranh bằng lá thốt nốt khắc laser. Đặc biệt, dòng tranh chân dung vô cùng sống động.

Tâm sự thêm, anh Linh cho rằng, làm tranh loại này rất kỳ công không kém sản phẩm tranh gỗ, từ khâu chọn lá, đem phơi, khắc laser phải đều màu, thực hiện các bước bảo quản để lá được bền, đẹp.

Để có những sản phẩm tranh chất lượng, lá thốt nốt được anh Linh tìm mua ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.

Anh Linh bên tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Anh Linh bên tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Lá thốt nốt lấy về, được đem phơi nắng hoặc sấy. Sau đó, đem ủi để làm cho thẳng, bôi keo kết nối lá lại để khắc. Khi khắc xong tiến hành sơn 3 lần bằng nước sơn PU để bảo quản bức tranh được lâu, tăng thêm độ sắc nét của bức tranh.

Từ những sản phẩm đơn giản lúc đầu, hiện anh Linh đã làm hàng trăm sản phẩm, đa phần là dòng tranh chân dung như: chân dung Bác Hồ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trống đồng Đông Sơn...

Ngoài làm tranh từ lá thốt nốt, anh Linh còn ấp ủ thực hiện thêm các sản phẩm từ quả và tàu lá thốt nốt. Không những vậy, anh còn bật mí, sẽ tiếp tục cố gắng nghiên cứu thêm để đa dạng các loại sản phẩm phục vụ thị trường.

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho các bạn trẻ, giúp các bạn có việc làm tại nơi mình sinh sống mà không phải ly hương rời quê, kiếm kế mưu sinh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan