A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải Dương chấn chỉnh công tác quản lý, tu bổ di tích

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý di tích.

Hải Dương chấn chỉnh công tác quản lý, tu bổ di tích

Di tích chùa Trăm Gian (huyện Nam Sách) xuống cấp. Ảnh minh họa: Lương Hà

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, thời gian qua, công tác quản lý di tích tại một số nơi thiếu chặt chẽ, còn tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích khi chưa có hồ sơ hoặc hồ sơ chưa đầy đủ; chưa có ý kiến thẩm định, phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng các hạng mục công trình không phù hợp với kiến trúc truyền thống của di tích.

Ngoài ra, việc bổ sung đồ thờ tự không phù hợp với tính chất của di tích, thay đổi bài trí thờ tự khi chưa có văn bản chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền… đã làm giảm giá trị của di tích.

Trước thực trạng này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý di tích trên địa bàn quản lý. Các phòng Văn hoá - Thông tin cấp huyện kiểm tra, hướng dẫn Ban Quản lý di tích cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các di tích tại địa phương. Đặc biệt, việc tu bổ, tôn tạo, bổ sung đồ thờ tự, thay đổi bài trí thờ tự và các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích khác cần tuân thủ theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá, quy định của tỉnh và các văn bản của pháp luật hiện hành có liên quan.

Ban quản lý di tích cấp huyện, UBND cấp xã kiện toàn và nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý, trông coi trực tiếp tại di tích, không giao khoán công tác bảo vệ di tích cho các cá nhân. Cùng với đó, liên hệ chặt chẽ và phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích.

Đối với các di tích thực hiện việc tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn công đức, các địa phương cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận, định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận và các quy định khác có liên quan theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2023/TTBTC ngày 19.1.2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Việc tiếp nhận công đức đồ thờ tự cần rà soát đồ thờ tự hiện có tại di tích, có định hướng để các nhà hảo tâm cung tiến những hiện vật phù hợp, không tiếp nhận các hiện vật không phù hợp với tính chất, quy mô của di tích và khi chưa có sự thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan chuyên môn. Cùng với đó, các địa phương xây dựng nội quy bảo vệ di tích; làm và gắn biển nội quy bảo vệ di tích tại từng điểm di tích ở vị trí phù hợp.

Sở cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ chuyên đề về giá trị của di tích đến các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan