Bóng đen phủ lên phim Hàn sau loạt siêu phẩm như "Ký sinh trùng", "Trò chơi con mực"
Sau thành công bùng nổ của "Parasite" (tựa Việt: Ký sinh trùng" hay "Squid Game" (tựa Việt: Trò chơi con mực), ngành điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo nhận định của Korea Times, một bóng đen đang phủ lên ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc từng một thời hưng thịnh.
Cuộc suy thoái trong lĩnh vực phim ảnh diễn ra nghiêm trọng khi hàng trăm bộ phim điện ảnh, truyền hình bị tồn đọng và không thể ra mắt.
Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc báo cáo có khoảng 130 bộ phim đang trong tình trạng "xếp kho" sau khi hoàn thành.
Những tác phẩm này chưa tìm được đầu ra, không có nhà phân phối để ra mắt tại rạp phim hoặc phát sóng trên OTT (nền tảng phát sóng trực tuyến).
Vì vậy, các nhà sản xuất chưa thể thu hồi vốn, từ đó ngừng đầu tư phim mới.
Ví dụ, phim "Bad memory Eraser", có Kim Jae Joong (JYJ) và nữ diễn viên Jin Se Yeon đóng chính, đã hoàn thành từ đầu năm 2022 nhưng vẫn đang chờ ra mắt.
Phim "Bogota" có Song Joong Ki, "The blue house family" có Cha In Pyo cũng chưa tìm được đầu ra dù đóng máy từ năm 2021.
Theo các chuyên gia, tác động của COVID-19 và sự bùng nổ của các nền tảng OTT đã làm gián đoạn hoạt động của các kênh phân phối truyền thống, dẫn đến một kịch bản chưa từng có ở Hàn Quốc khi hơn một trăm dự án hoàn thành nhưng không được phát hành.
Những khó khăn của ngành cũng ảnh hưởng đến nhân sự sản xuất. Nhiều nhân viên cho biết họ không được nhận lương khi các dự án chưa được ra mắt.
Hong Tae Hwa, một quan chức cấp cao của tổ chức bảo vệ quyền lợi của diễn viên Korean Film Sinmungo, cho biết: “Năm ngoái, số vụ khiếu nại tiền lương của các nhân viên sản xuất phim truyền hình lên tới 192 vụ - gấp 2,6 lần mức trung bình hàng năm là 72”.
Mặt khác, cát-xê cho các diễn viên hạng A cũng đang tăng mạnh do sự cạnh tranh giữa các nền tảng OTT. Muốn chiêu mộ những gương mặt hàng đầu, các đơn vị sản xuất buộc phải tăng cát-xê.
Các nhà sản xuất đều ưu tiên những đạo diễn, diễn viên đã có tên tuổi và có sức hút với khán giả. Vì vậy, nhiều diễn viên lâm vào cảnh thất nghiệp, cả năm không nhận được dự án mới.
Theo Ilyo, có thông tin lan truyền trong giới làm phim Hàn Quốc rằng "số lượng phim được các nhà phân phối lớn đầu tư năm 2024 bị cắt giảm một nửa".
Giám đốc điều hành CJ ENM Koo Chang Geun thừa nhận việc cắt giảm là khó tránh khỏi.
Cuộc khủng hoảng này không chỉ hạn chế số lượng các tác phẩm mà đe dọa phá vỡ thế cân bằng của nền giải trí Hàn Quốc.
Cơn sốt toàn cầu mang tên "Squid Game" khiến thù lao của các diễn viên tăng vọt. Các diễn viên chính có thể nhận đến 18 tỉ đồng/tập, trong khi mức cát-xê trước đó chỉ khoảng 3,6 tỉ đồng/tập.
"Trong khi số lượng các đạo diễn, diễn viên tài năng ngày càng tăng, môi trường sản xuất phim truyền hình và điện ảnh lại ngày càng tồi tệ. Nếu xu hướng này tiếp tục, các dự án tầm trung sẽ biến mất và nền tảng nuôi dưỡng thế hệ trẻ sẽ suy yếu. Từ đó, phim Hàn, vốn phát triển mạnh mẽ hàng chục năm qua, sẽ mất ổn định", một nhà sản xuất nói với Korea Times.