A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Nhặt sạn" phim "Ma da": Ma nữ váy đỏ và sự thờ ơ của bà Lệ

Dù kịch bản mỏng với thời lượng chỉ 95 phút, phim "Ma da" có nhiều "hạn sạn" lớn khiến khán giả lấn cấn sau khi thưởng thức.

* Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim.

"Ma da" là bộ phim điện ảnh kinh dị mới nhất của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng, lấy cảm hứng từ truyền thuyết kinh dị dân gian "ma da kéo giò" vùng sông nước.

Sau chưa đầy 1 tuần ra mắt, tính đến sáng 21.8, phim đã đem về hơn 67 tỉ đồng doanh thu phòng vé (theo Box Office Vietnam). Tuy nhiên, tác phẩm không tránh khỏi những yếu điểm, lỗ hổng nội dung khiến khán giả chưa thực sự thỏa mãn.

Ma nữ váy đỏ

Trong "Ma da", nhân vật bé Nhung (Dạ Chúc) bắt đầu nhận thấy những hiện tượng kỳ lạ khi vô tình nhặt về một con búp bê cũ ven sông. Nhung liên tục có cảm giác ghê rợn, nghe thấy tiếng gọi và bóng dáng một người phụ nữ kỳ lạ đi theo.

Khi sợ hãi kể chuyện cho mẹ mình (Việt Hương), Nhung nhắc tới người phụ nữ là "cô mặc váy đỏ". Trong khi thực tế, toàn bộ những gì khán giả thấy là một ma nữ đầu tóc bù xù, toàn thân phủ một màu đen bẩn thỉu của bùn lầy.

Khán giả “mù màu” khi nghe mô tả ma nữ váy đỏ. Ảnh: Nhà sản xuất

Khán giả “mù màu” khi nghe mô tả ma da váy đỏ. Ảnh: Nhà sản xuất

Hình ảnh cô gái áo đỏ ôm mối hận nhảy sông tự vẫn từng xuất hiện thoáng qua trong lời kể của người dân địa phương. Tuy nhiên, ma da không hề lộ diện với tạo hình này để hù dọa mọi người sau đó.

Lời kể của bé Nhung khiến khán giả không khỏi thắc mắc. Phải chăng những gì cô bé thấy hoàn toàn khác với góc nhìn của khán giả?

Sự thờ ơ của người lớn

Bối cảnh phim ở một ngôi làng miền Tây sông nước. Khi Hoàng (Hoàng Mèo), một người dân làm nghề chài lưới bất ngờ chết đuối trong đêm, dân làng đã đồn đại, lo sợ về sự trở lại của ma da. Thế nhưng, dường như chẳng ai quan tâm đến lũ trẻ.

Trong hầu hết các phân cảnh, lũ trẻ trong làng thường cùng nhau đi học và về nhà mà không có sự theo dõi, giám hộ của người lớn. Ngay cả khi về muộn, di chuyển giữa rừng vào buổi tối, Nhung chỉ được anh Hiếu (Duy Anh) - một cậu bé hơn cô vài tuổi cầm đèn dẫn về nhà.

Hay khi Nhung sợ hãi kể với mẹ mình về việc có người phụ nữ kỳ lạ bám theo, rủ cô bé đi chơi cùng, bà Lệ tỏ thái độ khá thờ ơ và chỉ dặn con không nên đi theo người lạ.

Bà Lệ thờ ơ khi nghe con kể có người lạ bám theo mình. Ảnh: Nhà sản xuất

Bà Lệ thờ ơ khi nghe con kể có người lạ bám theo mình. Ảnh: Nhà sản xuất

Vật lạ trong kẽ chân thi thể

Trong "Ma da", nhân vật ông Tư do diễn viên Trung Dân thủ vai được hé lộ là một người từng làm nghề vớt xác trôi sông như bà Lệ. Vì không cứu được vợ con, ông Tư quyết định bỏ nghề và vừa sống, vừa làm việc khám nghiệm tử thi tại nhà xác.

Sau khi Hiếu qua đời vì chết đuối, ông Tư vô tình tìm thấy trong kẽ chân của thi thể có một vật thể lạ trông giống đồng xu. Thấy vậy, ông Tư tỏ ra trầm tư suy nghĩ.

Tuy nhiên, trong toàn bộ phần sau của tác phẩm không hề đề cập đến điều này. Vật đó ở đâu ra và vai trò của nó là gì?

Thực tế, đồng xu cũng là yếu tố then chốt giúp mẹ con Nhung trục xuất ma da ra khỏi người. Tuy nhiên, đó lại là những đồng xu và cách làm mà ông Tư có được sau những năm tháng hành nghề vớt xác trôi sông.

Bóng dáng cơ quan chức năng

Lực lượng công an, cảnh sát thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim kinh dị Việt để "thu dọn tàn cuộc" và giải quyết vấn đề trong phút chót. Tuy nhiên, ở "Ma da", khán giả lại thắc mắc khi hoàn toàn không có bóng dáng của cơ quan chức năng làm nhiệm vụ.

Từ những phân cảnh tìm thấy xác người chết nổi trên sông, đưa thi thể đến nhà xác đều do những người dân tự lo liệu. Hay khi cô Hạnh (Cẩm Ly), bà Lệ phát hiện con mất tích, họ cũng quyết định tự mình đi tìm kiếm, thậm chí tìm nhiều ngày liền mà không báo công an để cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ.

Bà Lệ chỉ một mình đi tìm con. Ảnh: Nhà sản xuất

Bà Lệ chỉ một mình đi tìm con. Ảnh: Nhà sản xuất

Nhiều người cho rằng đây là tình tiết khá phi logic, đặc biệt khi chưa xác định được người mất tích có thực sự chết đuối hay chưa, rơi xuống nước do tai nạn hay bị sát hại, bắt giữ...

Ngoài ra, "Ma da" còn nhiều lỗ hổng ở nội dung như cái chết lãng xẹt của thầy cúng (Thành Lộc), bát cơm sạch sẽ nhưng đầy ròi của bà Lệ ở cuối phim... Dù vậy, tác phẩm vẫn làm hài lòng nhiều khán giả nhờ diễn xuất tốt của nữ chính Việt Hương, nhịp phim hồi hộp, nhiều cảnh giật gân...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan