A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 76 Đại hội đồng Y tế Thế giới

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 76 Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA 76) tại Geneva, Thụy Sỹ.

Phiên toàn thể của Kỳ họp WHA 76 gồm các nội dung: Khai mạc Kỳ họp, Chỉ định Ủy ban Ủy nhiệm thư, Bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Kỳ họp, Phát biểu của Chủ tịch, Thông qua Chương trình nghị sự, Báo cáo của Hội đồng Chấp hành lần thứ 151 và 152 và Kỳ họp đặc biệt lần thứ 6 của Hội đồng chấp hành WHO, Phát biểu của Tổng Giám đốc WHO, Báo cáo của Ủy ban Ủy nhiệm thư.

Sau bài phát biểu của TS Tedros, Tổng Giám đốc WHO là Phiên thảo luận chung của Kỳ họp với chủ đề "75 năm WHO: Cứu mạng sống, mang sức khỏe đến cho tất cả mọi người".

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể của Kỳ họp lần thứ 76 Đại Hội đồng Y tế Thế giới
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể của Kỳ họp lần thứ 76 Đại Hội đồng Y tế Thế giới

PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có bài phát biểu trao đổi về chủ đề này. Trong bài phát biểu, Thứ trưởng nêu rõ, WHA 76 năm nay đánh dấu một số sự kiện quan trọng. Đầu tiên là lễ kỷ niệm 75 năm thành lập WHO, một cột mốc quan trọng trong lịch sử y tế công cộng toàn cầu.

Trong suốt nhiều thập kỷ, những thành tựu tích lũy về y tế công cộng đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong thời gian này, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về sức khỏe, bao gồm tuổi thọ trung bình tăng đáng kể lên hơn 75 tuổi và giảm nghèo đáng kể.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự Kỳ họp lần thứ 76 Đại hội đồng Y tế Thế giới
PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên toàn thể của Kỳ họp WHA 76

Ngày nay, Việt Nam tiếp tục tiến hành cải cách ngành Y tế để giải quyết các nhu cầu y tế trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế xã hội đang phát triển nhanh chóng và những bài học từ đại dịch COVID-19.

Sự kiện quan trọng thứ hai được Thứ trưởng nhấn mạnh là tuyên bố của Tổng Giám đốc WHO ngày 5/5 vừa qua về việc đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.

Ngay từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, Việt Nam đã điều chỉnh các biện pháp xã hội và y tế công cộng để giữ cho các ca mắc và tử vong ở mức thấp cho đến khi có vaccine. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Số liều vắc xin COVID-19 đã tiêm/100 dân là 273,7 liều, cao gấp 1,6 lần mức trung bình của thế giới. Nhờ những nỗ lực này, từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn "quản lý bền vững" COVID-19 - cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội với các biện pháp y tế công cộng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và hệ thống y tế.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với một tương lai đầy thách thức. Việt Nam cần duy trì năng lực quốc gia đã đạt được trong đại dịch, đồng thời chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai. Việt Nam rất tự hào về những thành tựu y tế đã đạt được và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kỹ thuật chặt chẽ với WHO.

Với hơn 20 bài tham luận thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đoàn đại biểu Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và chủ động vào các chương trình nghị sự của kỳ họp được các quốc gia thành viên đánh giá cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật