A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao nhiều học sinh chọn ngành báo chí, truyền thông?

Điểm chuẩn cao chót vót là minh chứng cho sức hút của nhóm ngành báo chí, truyền thông trong mùa tuyển sinh năm 2024.

Điểm chuẩn cán mốc 29 điểm

Tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Quan hệ công chúng có điểm chuẩn cao nhất là 29,1 điểm (khối C00). Ngành Báo chí của trường cũng có điểm chuẩn rất cao, lên đến 29,03 điểm. Như vậy, thí sinh phải đạt gần 10 điểm mỗi môn mới có thể đậu vào 2 ngành này.

Cùng với đó, ngành Truyền thông quốc tế của Học viện Ngoại giao có mức điểm chuẩn tăng 0,59 điểm so với năm ngoái, cán mốc 29,05 điểm ở khối C00.

Ngành Báo chí tại các trường đại học có tiếng khác cũng có mức điểm chuẩn trên 28 điểm. Cụ thể, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngành Báo chí dẫn đầu điểm chuẩn với 28,9 điểm (khối C00). Ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM có điểm chuẩn khối C00 là 28,8 điểm.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã công bố điểm chuẩn năm 2024 theo hai thang điểm 30 và 40. Ở thang điểm 30, ngành truyền thông đa phương tiện lấy cao nhất với 28,25 ở tổ hợp C15 (Ngữ Văn, Toán học và Khoa học xã hội). Tiếp đó là ngành Truyền thông đại chúng, cũng ở tổ hợp này, với 28,05 điểm.

Điểm chuẩn nhóm ngành Báo chí - Truyền thông ở mức cao cho thấy sức hút của các ngành này với thí sinh. Ảnh: Vân Trang

Điểm chuẩn nhóm ngành Báo chí - Truyền thông ở mức cao cho thấy sức hút của các ngành này với thí sinh. Ảnh: Vân Trang

Giải mã sức hút

Chia sẻ với Lao Động, em Bùi Văn Lịch - học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - cho biết: "Em thấy rất nhiều bạn chọn theo học nhóm ngành Báo chí - Truyền thông. Tính riêng lớp em, khoảng gần 10 bạn đăng ký nguyện vọng vào các ngành này".

Tuy vậy, em cho biết, bản thân không chạy theo đám đông mà có sự cân nhắc kĩ lưỡng khi quyết định theo học ngành Truyền thông quốc tế.

"Đây là ngành em yêu thích bởi sự năng động, đa dạng của nó. Đồng thời, em nhận thấy cơ hội việc làm của ngành học rất rộng mở và em cũng cân nhắc đến yếu tố thu nhập sau khi ra trường" - em nói và cho biết, gia đình cũng tôn trọng và ủng hộ lựa chọn này của em.

Nam sinh nói thêm, trong tương lai, bản thân mong muốn tìm kiếm việc làm trong mảng truyền thông, quan hệ công chúng tại các công ty, doanh nghiệp...

Cũng đặt nguyện vọng vào nhóm ngành Báo chí - Truyền thông của hàng loạt trường danh tiếng, em Nguyễn Hồng Ngọc - học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) - cho hay, các ngành này có tiềm năng lớn trong tương lai, đặc biệt trong thời đại số như hiện nay.

"Bản thân em cũng muốn thử sức ở những lĩnh vực có nhiều khía cạnh để khai thác và năng động như báo chí, truyền thông... Cơ hội việc làm của nhóm ngành này cũng rộng mở" - nữ sinh nói.

Hồng Ngọc chia sẻ, ban đầu gia đình em có chút lo ngại khi em lựa chọn nhóm ngành này và tư vấn em theo học những ngành khác như Sư phạm. Tuy nhiên, sau khi cả gia đình cùng bàn bạc, tìm hiểu kĩ về ngành Truyền thông, bố mẹ đã hiểu hơn và cho em tự quyết định ngành học của mình.

Học sinh đổ xô đăng ký các ngành Báo chí - Truyền thông khiến Hồng Ngọc đôi chút lo lắng về sự bão hòa và cạnh tranh của ngành nghề sau khi ra trường. "Tuy nhiên, em nghĩ rằng, nếu bản thân có đủ đam mê và có kiến thức, kĩ năng tốt trong lĩnh vực này thì em vẫn sẽ tìm được hướng đi phù hợp cho bản thân trong tương lai" - em nói.

Thí sinh theo dõi điểm chuẩn ngành báo chí, truyền thông năm 2024 TẠI ĐÂY.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan