Thuốc đặc trị cúm khan hàng, giá "nhảy múa" trong đỉnh dịch
Không chỉ ở các thành phố lớn, thuốc Tamiflu - loại thuốc kháng virus cúm A - đang rơi vào tình trạng khan hiếm trầm trọng ở nhiều địa phương miền núi.
Giá thuốc đặc trị cúm A khan hàng, tăng gấp đôi
Những ngày gần đây, dịch cúm A lan rộng ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có nhiều tỉnh miền núi Tây Bắc, khiến nhiều người dân đổ xô đi mua thuốc điều trị.
Tại các hiệu thuốc ở trung tâm thành phố Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên tấp nập kẻ ra, người vào, hầu hết trong số đó tìm mua Tamiflu.
Chị Nguyễn Thị Lương (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) lo lắng: "Con tôi sốt cao hai ngày nay, bác sĩ chỉ định dùng Tamiflu nhưng đi cả chục nhà thuốc không còn, hoặc có thì giá cao quá".
Cũng theo chị Lương, ngay từ đầu mùa dịch, do tâm lý lo ngại, một số gia đình đã đi mua tích trữ thuốc Tamiflu khiến tình trạng khan hàng xảy ra.
Ghi nhận tại một số hiệu thuốc, giá Tamiflu hiện dao động từ 500.000 đến 800.000 đồng/hộp - tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước đây. Có nơi còn yêu cầu khách phải mua kèm thêm vitamin hoặc thuốc bổ mới bán thuốc trị cúm. Trong khi đó, nhiều nhà thuốc thông báo hết hàng từ sớm.
Tại nhà thuốc Nga Cách - một trong những hệ thống hiệu thuốc lớn ở TP Hòa Bình, khi PV hỏi mua loại thuốc này, nhân viên bán hàng cho hay đã hết từ khi dịch cúm cao điểm. Hiện nay, hàng chỉ về "nhỏ giọt", đủ để bán thuốc kê đơn cho khách.
Cách đó không xa, một số hiệu thuốc thuộc hệ thống Nhà thuốc Long Châu cũng không còn loại thuốc này.
Nhân viên bán hàng tại đây cho hay, từ khi dịch Cúm A bùng phát, thuốc này thường xuyên rơi vào trạng thái khan hàng.
Dược sĩ đại học Bùi Thị Lan Hương - Chủ hiệu thuốc Boeing (thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn) cho hay: "Thông thường, giá nhập loại thuốc này chỉ khoảng gần 300.000 đồng/hộp nhưng nay giá đã tăng lên gần gấp đôi. Giá nhập cao khiến các hiệu thuốc cũng phải tăng giá bán. Có nơi đã tăng giá bán lẻ lên đến 70.000 đồng/viên".
"Thuốc này được ưa chuộng vì kiểm soát được virus trong cơ thể, tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều sẽ dẫn đến kháng thuốc, nhờn thuốc, chính vì vậy người dân cần sử dụng liều lượng vừa đủ, đúng theo chỉ định của bác sĩ, không nên sử dụng tràn lan" - nữ dược sĩ khuyến cáo.
Số ca cúm A tăng mạnh, loạt tỉnh miền núi ra khuyến cáo
Bác sĩ Hồ Quốc An - Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thông tin, không phải trường hợp cúm A nào cũng cần dùng Tamiflu.
"Người bệnh nên đi khám để được tư vấn, không tự ý mua và tích trữ thuốc, tránh lãng phí và gây khan hiếm giả tạo", ông An nói.
Cũng theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, từ ngày 1.1.2025 - 12.2.2025, bệnh viện đã tiếp nhận 156 lượt khám bệnh, xét nghiệm có phát hiện virus Cúm A và điều trị nội trú 43 trường hợp.
Con số này đã tăng gấp đôi so với thời điểm cùng kỳ năm 2024 khi chỉ với 78 lượt khám bệnh và 14 lượt điều trị nội trú.
Tại tỉnh Tuyên Quang, chỉ riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong khoảng 3 tháng trở lại đây, cơ sở y tế này tiếp nhận hơn 90 trường hợp mắc cúm A, phần lớn là người già và trẻ nhỏ. Sau hỗ trợ điều trị tích cực, đa số người bệnh được ra viện sau 5-7 ngày.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang, riêng trong tháng 1.2025, địa phương này ghi nhận 736 ca mắc cúm A. Số bệnh nhân có xu hướng tăng so với cùng thời điểm mọi năm.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp đến khám bệnh nghi mắc bệnh có nguy cơ gây dịch.
Ông La Đăng Tái - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cho hay, ngành y tế địa phương đặc biệt khuyến cáo tới người dân các biện pháp phòng tránh dịch cúm A đang diễn biến phức tạp.
"Lưu ý giữ ấm, nâng cao sức đề kháng cho người già, trẻ nhỏ, người có bệnh tim mạch. Khi mắc cúm có dấu hiệu sốt cao cần đến bệnh viện ngay. Phòng tránh từ xa bằng việc nâng cao sức đề kháng, đeo khẩu trang đi ra ngoài và nên tiêm vắc xin mỗi năm một lần", ông Tái khuyến cáo.