A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thí sinh đứng trước bước ngoặt cuộc đời

Năm 2024 là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Từ năm 2025, kỳ thi chỉ còn 4 môn, trong đó có hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn do thí sinh lựa chọn trong số các môn đã chọn học ở bậc THPT.

Không giới hạn số lần điều chỉnh nguyện vọng

Theo đó, quy chế tuyển sinh 2024 ổn định so với năm trước giúp việc đăng ký xét tuyển thuận tiện hơn cho thí sinh. Dự kiến từ ngày 10/7 đến 17h ngày 25/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin của trên hệ thống.

Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống, hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tuyển sinh đại học năm 2024: Thí sinh trước bước ngoặt cuộc đời

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Thời gian đăng ký xét tuyển hiện tại dựa vào kế hoạch thi tốt nghiệp THPT, nếu thời gian thi tốt nghiệp THPT có điều chỉnh thì phương án đăng ký xét tuyển cũng sẽ điều chỉnh theo.

Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả các cơ sở đào tạo đăng ký theo ngành/chương trình và được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Đồng thời, thí sinh phải cung cấp các dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện, quy trình đăng ký được quy định tại đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo) tương ứng với ngành/chương trình mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển để các cơ sở đào tạo sử dụng xét tuyển.

Từ ngày 28/7 đến 17h ngày 3/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Riêng thí sinh thuộc diện hưởng chính sách ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải phối hợp với các điểm tiếp nhận rà soát thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có), đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.

Từ ngày 5/7 đến 17h ngày 5/8, thí sinh có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.

Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác để cơ sở đào tạo xét tuyển, nếu trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.

Trước 17h ngày 8/8, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Tuyển sinh đại học năm 2024: Thí sinh trước bước ngoặt cuộc đời

Gần 50% không vào đại học

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2023, cả nước có 1.022.063 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng là 663.063 thí sinh nhưng chỉ có 546.686 em trúng tuyển đại học nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 82,455%; tỷ lệ nhập học/dự thi là 53,12% nhập học.

Con số này tăng so với năm 2022 khi có 1.011.589 số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng là 625.096 thí sinh, trong đó, 521.263 thí sinh nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu đạt 83,39%. Tỷ lệ nhập học/số thí sinh dự thi là 51,35%.

Bình Dương, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế là 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng năm 2023.

Nằm trong top các địa phương có tỉ lệ thí sinh vào đại học, cao đẳng dẫn đầu cả nước còn có Nam Định, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Yên.

Top 10 địa phương có tỷ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng ngành Sư phạm thấp nhất cả nước gồm: Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Bình, Yên Bái, Hoà Bình, Cao Bằng và Tuyên Quang. Sơn La đứng "chót bảng" trong cả nước khi chỉ đạt 26%.

Về kết quả tuyển sinh theo lĩnh vực, khối ngành Kinh doanh và quản lý tiếp tục đứng đầu với 23,57% (giảm nhẹ so với năm 2022 với 24,54%). Tiếp theo đó là khối ngành Máy tính và công nghệ thông tin chiếm trên 11%, Công nghệ kỹ thuật trên 10%, Nhân văn trên 8% và khối ngành Sức khỏe hơn 6,7%.

Ngược lại, 5 ngành có tỷ lệ thấp nhất gồm: Dịch vụ xã hội, Thú y, Toán và thống kê, Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống. Đây cũng là những ngành thấp nhất năm 2022, không có sự cải thiện.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay có nhiều phương thức xét tuyển chính được các cơ sở đào tạo sử dụng như: Xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT (49,45%); Xét học bạ (30,24%); các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) (14,10%); thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (2,57%); xét tuyển thẳng theo đề án (2,32%), ngoài ra xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản số 1277/BGDĐT-QLCL ngày 22/3/2024 về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó, ngày 26/6/2024, thí sinh làm thủ tục dự thi.

Ngày 27, 28/6/2024, tổ chức coi thi. Ngày 29/6/2024 là ngày thi dự phòng.

Theo quy chế thi, thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 thực hiện 4 bài thi gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (gồm các môn thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan