Số ca sốt xuất huyết tăng hơn 2.000 ca/tuần
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 8 đến 15/9), thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023).
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp đôi tháng 8/2023
Cũng theo CDC Hà Nội, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện.
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca).
Ngoài ra, các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần là phường Định Công, quận Hoàng Mai (44 ca); Xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (40 ca); Phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (34 ca); Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (35 ca); Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (34 ca); Xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (31 ca)…
Tuyên truyền tại hộ gia đình về phòng chống chống dịch bệnh sốt xuất huyết |
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần; Số ca tử vong tương đương.
Bệnh nhân ghi nhận từ đầu năm đến nay phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 533/579 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là: Thạch Thất (833 ca), Hoàng Mai (827 ca), Thanh Trì (727 ca), Hà Đông (607 ca), Phú Xuyên (603 ca), Đống Đa (577 ca), Cầu Giấy (558 ca), Nam Từ Liêm (523 ca).
Cũng trong tuần này, Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện: Đống Đa (16 ổ dịch); Hà Đông, Hoàng Mai - mỗi nơi có 8 ổ dịch; Thanh Oai (7 ổ dịch); Phúc Thọ (6 ổ dịch); Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm - mỗi nơi có 4 ổ dịch; Tây Hồ, Quốc Oai, Phú Xuyên (3 ổ dịch); Đan Phượng, Thường Tín, Ba Vì (2 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Mỹ Đức (1 ổ dịch).
Tổng số ổ dịch tính đến thời điểm hiện tại là 730. Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (439 ca); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (306 ca); thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (91 ca); thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (57 ca); Phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (29 ca)…
Chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2- 3 lần
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng.
Kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch trong tuần vẫn ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2 đến 3 lần (theo quy định BI=20) như: Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (BI=40); Xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (BI=40); Phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (BI=40); Xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (BI=40); Xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (BI=60).
Theo CDC thành phố, trong tuần tới, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện: Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông, Phúc Thọ.
CDC Hà Nội yêu cầu, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu UBND các địa phương tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn.
“Các địa phương cần tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Mặt khác, tại các địa phương cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy”, CDC Hà Nội nhấn mạnh.
Trong tuần qua, nhiều quận huyện đã tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, tính từ đầu năm đến ngày 12/9, toàn huyện có tổng số 308 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (không có ca tử vong), tăng 60 ca so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh nhân phân bổ tại 20/20 xã, thị trấn với 58 ổ dịch. Toàn huyện còn 5 ổ dịch đang hoạt động.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức nhiều đợt phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các thôn và các hộ gia đình có ca bệnh để xử lý, khoanh vùng ổ dịch. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn chủ quan trong phòng, chống dịch, cùng với mưa ẩm, thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển là nguy cơ khiến dịch lây lan trong cộng đồng.
Các đơn vị ra quân tổng vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết tại quận Tây Hồ |
Trước đó, ngày 16/9, tại phường Xuân La, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức phát động chiến dịch “Tổng vệ sinh môi trường, tìm diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết năm 2023”.