Sản phẩm du lịch biển độc đáo, đẳng cấp thế giới lần đầu tiên triển khai tại VN sẽ hoạt động như thế nào?
Trong thời gian qua, loại hình du lịch mới này nhận được nhiều sự quan tâm của du khách, được dự đoán sẽ là tour ăn khách nhất trong thời gian tới.
Mô hình tàu lặn du lịch là một sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Việc phát triển mô hình này không những đa dạng hóa dịch vụ, thu hút du khách du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đồng thời cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế về hệ sinh thái phong phú, đa dạng tại Việt Nam.
Bên cạnh lợi ích về phát triển kinh tế du lịch, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của loại hình phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi giải trí dưới nước thuộc phạm vi hàng hải chưa được quy định đầy đủ.
Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23/9/2022 và Nghị định số 74/2023/NĐ-CP ngày 11/10/2023.
Theo đó, những nội dung quan trọng liên quan đến loại hình tàu lặn du lịch sẽ xoay quanh vấn đề vùng hoạt động, an toàn khi tham gia hoạt động lặn cũng như cách thức tổ chức hoạt động lặn.
Đầu tiên, vùng hoạt động tàu lặn do Cục Hàng hải Việt Nam xem xét hồ sơ đề nghị của tổ chức và chấp thuận sau khi lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan.
Về vấn đề an toàn, Nghị định đề xuất quy định điều kiện thuyền viên điều khiển tàu lặn, thuyền viên hỗ trợ tàu lặn phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định và đảm bảo tuổi lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam; có Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản của thuyền viên tàu biển; có chứng chỉ về vận hành tàu lặn được nhà sản xuất cấp...
Về phê duyệt Phương án đưa tàu lặn vào hoạt động, Cảng vụ hàng hải tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt Phương án đưa tàu lặn vào hoạt động theo quy định. Phương án đưa tàu lặn vào hoạt động sẽ chấm dứt với một số trường hợp, trong đó có trường hợp không tổ chức hoạt động trong thời gian 12 tháng kể từ ngày phê duyệt phương án.
Biên an toàn tối thiểu tàu lặn được bố trí theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không ít hơn số lượng thuyền viên tàu lặn được ghi trên Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu lặn; chủ tàu lặn có trách nhiệm bố trí đủ định biên làm việc trên tàu lặn theo quy định.
Về hoạt động lặn, chậm nhất trước 1 giờ mỗi chuyến lặn, tổ chức khai thác hoạt động tàu lặn phải gửi thông báo bằng văn bản hoặc fax hoặc email đến Cảng vụ hàng hải thông tin của thuyền viên tàu lặn và hành khách trên tàu lặn...
Ngoài ra, Nghị định cũng có đưa ra các trách nhiệm liên quan khác đối với các bên tổ chức khai thác, hành khách, cảng vụ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra...
Tại Việt Nam, tour du lịch tàu ngầm tham quan đáy đại dương được phát triển mạnh trong những năm gần đây. Công ty cổ phần Vinpearl đã thực hiện thí điểm dịch vụ tàu lặn tại Nha Trang từ tháng 2/2021. Thời gian thí điểm đến hết tháng 7/2024.
Tại Nha Trang, du khách được khám phá thế giới dưới lòng đại dương bằng tàu ngầm Deep View DV100 - 24 do hãng Triton Submarine, Hoa Kỳ sản xuất. Tàu bằng kính 360 độ, tầm nhìn vô cực ở độ sâu lên tới 100m dưới đáy biển. Du khách ngồi trong khoang bên trong dài 15,4m- (50,5ft) và có thể đứng lên. Tàu ngầm lặn với lịch trình 30 phút. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 3 hải lý/h, tương đương 5,5 km/h.
Tàu lặn chạy bằng điện, có thể chở được 24 khách. Theo thông tin từ VinPearl, giá vé tàu ngầm lặn là 950.000 đồng cho trẻ từ 3 tuổi và dưới 1,4m. Người lớn từ 1,4m giá vé là 1,4 triệu đồng và người trên 60 tuổi giá vé là 1,2 triệu đồng.