Phát triển học tập suốt đời: Thúc đẩy người dân "dám học" và thích học
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, nhiều người quan niệm, việc học chỉ giới hạn trong giai đoạn chính quy.
![]() |
Trường Đại học Mở Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho người học, trong đó có nhiều người thuộc nhóm yếu thế. Ảnh: NTCC |
Phát triển phong trào học tập suốt đời, đặc biệt trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân về giáo dục suốt đời. Cùng đó là các chính sách khuyến khích người dân vượt qua “vùng an toàn” để học tập.
Phá “tảng băng” bằng lòng với học thức, học vấn hiện tại
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, nhiều người quan niệm, việc học chỉ giới hạn trong giai đoạn chính quy. Điều này vô hình trung làm cản trở sự phát triển của xã hội học tập. Ngoài ra, đầu tư vào hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo từ xa đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi không phải người học nào cũng có điều kiện tiếp cận thiết bị công nghệ.
Từ thực tế, GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam nhận thấy, nhiều người không hiểu hết ý nghĩa của học tập suốt đời. Họ bằng lòng với việc học một lần trong đời.
Nghĩa là, sau khi tốt nghiệp đại học, họ thấy đã đủ để làm ăn, kiếm sống và không phải học thêm. Thực trạng này cũng hiện hữu ở nhiều cán bộ lãnh đạo. Họ nghĩ rằng, ngồi ở vị trí quản lý là đủ mà không thấy rằng, nếu học thêm, được bổ sung kiến thức, công việc sẽ trở nên tốt hơn.
“Bằng lòng với học thức, học vấn hiện tại là trở ngại lớn trên hành trình học tập suốt đời”, GS.TS Phạm Tất Dong nhận xét. Do đó, nhiều người không thể nhận ra khi được hỏi về đâu là xu thế mới, điều gì cần thiết cho cơ quan, gia đình, dòng họ, cộng đồng của mình trong tương lai... Trong khi đó, thế giới biến đổi quá nhanh, với tính chất khó đoán định.
Vì thế, để dám nghĩ, dám hy sinh, dám xả thân, dám làm những việc lớn, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, trước hết phải “dám học”. Nhiều người sợ học, trong đó có đảng viên, cán bộ, công chức. Họ có thể làm nhiều thứ nhưng khi nói đến học lại né tránh. Họ có thể có thời gian nhưng không học.
Tâm lý chung của con người là thích an toàn. Trong khi đó, muốn phá vỡ tình trạng hiện có để tiến bộ hơn thì phải học, không học không thể làm được. “Nhiều người ngại học vì kiến thức quá nhiều và không đủ kiên trì để học. Họ không thể vượt qua nỗi sợ vô hình”, GS.TS Phạm Tất Dong nhìn nhận.
Theo nhà khoa học này, điều quan trọng nhất là phải dám vượt qua chính mình và “vùng an toàn” để học tập, từ đó dám làm theo những điều đã học được. Thực ra, việc học tập giống như bất kỳ công việc nào khác, khởi đầu luôn khó khăn.
Nhưng khi đã qua được giai đoạn đầu sẽ thấy, việc học không đáng sợ. Nếu cố gắng duy trì mỗi ngày một chút, dần dần việc học trở thành thói quen. Khi đã hình thành thói quen học tập, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều đúng đắn, từ đó nhận thức được những điều phải làm tốt hơn.
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, những người “dám hy sinh, dám chiến đấu” đều hiểu rõ điều này. Họ dám nghĩ, dám làm và làm một cách thông minh, hiểu biết pháp luật, văn hóa, chuyên môn và cả phong tục tập quán. Tất cả những điều đó chỉ có được thông qua học tập. Do đó, học vẫn là nền tảng của việc dám nghĩ, dám làm.
Sinh viên Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam.
Một hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: NTCC
Xu thế tất yếu
Giáo dục suốt đời gắn liền với hệ thống tổ chức, bao gồm trường học, trung tâm giáo dục và các chương trình đào tạo. PGS.TS Tô Bá Trượng - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục trao đổi, tên gọi này có thể thấy ngay việc học tập suốt đời là một phần của hệ thống giáo dục, có tổ chức và được Nhà nước quản lý chặt chẽ.
Giáo dục suốt đời là hệ thống giáo dục mở, bao gồm các chương trình giáo dục và đào tạo chính thức, chẳng hạn như: Các khóa học, chứng chỉ và bằng cấp do các cơ quan giáo dục cung cấp. Giáo dục suốt đời mang tính chính thống, đặc biệt khi mục tiêu là thúc đẩy các chính sách và chương trình giáo dục được chính phủ và các tổ chức giáo dục hỗ trợ.
Với việc học tập suốt đời là một phần của hệ thống giáo dục chính quy, PGS.TS Tô Bá Trượng cho rằng, Nhà nước có thể dễ dàng huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để hỗ trợ các chương trình này. Nhà nước cũng có thể ban hành chính sách ưu đãi như: Miễn giảm học phí, cấp học bổng, hoặc hỗ trợ vật chất cho các đối tượng khó khăn tham gia học tập.
Ngoài ra, Nhà nước có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục để phục vụ cho việc học tập suốt đời, chẳng hạn như: Xây dựng thêm các trung tâm học tập cộng đồng, phát triển hệ thống học trực tuyến, hoặc nâng cấp các thư viện công cộng, giúp tạo ra môi trường học tập thuận lợi và dễ tiếp cận cho mọi người dân.
Là một trong những cơ sở giáo dục tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy và đào tạo từ xa, Trường Đại học Mở Hà Nội đã đầu tư xây dựng hệ thống học tập trực tuyến (E-learning) với hàng trăm khóa học, cung cấp tài nguyên học tập mở và tạo ra môi trường học tập linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người học.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh, đây chính là những giải pháp thiết thực để hiện thực hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra.
Với sứ mệnh “Mở cơ hội học tập cho mọi người”, hệ thống học tập trực tuyến của Trường Đại học Mở Hà Nội được đánh giá là một trong những nền tảng giáo dục mở hàng đầu tại Việt Nam. Qua đó, giúp người học tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, hiệu quả. Với triết lý đào tạo mang đậm tính nhân văn, nhà trường đã triển khai nhiều dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng.
“5 năm trở lại đây, trường xây dựng hàng trăm khóa học mở trực tuyến đại trà (MOOCs) cung cấp các bài giảng miễn phí phục vụ cộng đồng thu hút hàng triệu lượt truy cập và gần 20.000 tài khoản đăng ký”, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung thông tin, đồng thời cho biết, từ năm 2022 đến nay, Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp và hỗ trợ Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng và tiếp tục nâng cấp hệ thống Đánh giá công dân học tập.
Hệ thống đã có gần 10 triệu tài khoản công dân đăng ký, gần 12.000 tài khoản quản lý của cán bộ Hội Khuyến học các cấp, góp phần hiệu quả vào hoạt động hỗ trợ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Thời gian tới, Trường Đại học Mở Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, mở rộng hợp tác với các trường đại học và tổ chức giáo dục quốc tế. Đồng thời, tập trung phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, phù hợp với xu thế phát triển của thị trường lao động, nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời và nâng cao năng lực cạnh tranh của người học.
“Tôi tin rằng giáo dục mở và học tập suốt đời sẽ trở thành xu thế tất yếu trong tương lai, góp phần tạo nên một xã hội học tập thực sự”, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh, thực hiện điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ học tập linh hoạt, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên). Ảnh: TG
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, để thúc đẩy giáo dục mở và học tập suốt đời, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.
Theo đó, với cơ quan quản lý Nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ tài chính, đầu tư hạ tầng công nghệ, khuyến khích nghiên cứu và triển khai các mô hình giáo dục số, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng cho đào tạo trực tuyến.
Các trường đại học cần tăng cường hợp tác, chia sẻ tài nguyên giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn. Xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường để giáo dục mở và học tập suốt đời thật sự có hiệu quả. Với doanh nghiệp, cần đẩy mạnh hợp tác với nhà trường, hỗ trợ đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tế; tạo điều kiện để người lao động được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng.
Nhìn từ phương diện chính sách, bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Pháp chế và đối ngoại, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam cho hay, nhiều quốc gia xây dựng Luật Học tập suốt đời và trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách giáo dục, phát triển con người.
Điều đó thể hiện cam kết của chính phủ trong việc cung cấp hệ thống giáo dục linh hoạt, toàn diện và dễ tiếp cận - nơi mọi người có thể tham gia học tập, bất kể độ tuổi, trình độ học vấn hay hoàn cảnh kinh tế.
“Những chính sách này thường bao gồm việc thành lập trung tâm học tập cộng đồng, cung cấp khóa học ngắn hạn và dài hạn, hỗ trợ tài chính cho những người muốn học thêm và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục chính quy và không chính quy”, bà Nguyễn Kim Dung trao đổi và viện dẫn chính sách khuyến khích học tập của Nhật Bản.
Họ thúc đẩy mạnh mẽ học tập suốt đời kể từ những năm 1980. Chính phủ Nhật Bản xem học tập suốt đời là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế thay đổi.
Chính phủ và các tổ chức giáo dục cung cấp nhiều chương trình và khóa học khác nhau cho mọi lứa tuổi, từ giáo dục phổ thông, giáo dục đại học đến chương trình đào tạo chuyên sâu và kỹ thuật. Các trung tâm giáo dục cộng đồng có mặt trên khắp Nhật Bản, cung cấp khóa học và hoạt động học tập không chính thức cho người dân. Đây là một phần trong nỗ lực xây dựng văn hóa học tập cộng đồng.
Cùng đó, các khóa học gồm một số lĩnh vực như kỹ năng sống, văn hóa, nghệ thuật và các kỹ năng công việc. Ngoài ra, Nhật Bản chú trọng đào tạo nghề, giúp người lao động nâng cao kỹ năng và thích nghi với thay đổi trong thị trường lao động.
Chính phủ Nhật Bản cũng cung cấp các khoản vay học tập, học bổng và hình thức hỗ trợ tài chính khác để khuyến khích người lớn tuổi quay trở lại học tập hoặc tham gia khóa học nâng cao kỹ năng.
Nhật Bản cũng áp dụng Chính sách công nhận kỹ năng và kiến thức trước đây. Nghĩa là cho phép công nhận kinh nghiệm làm việc và kỹ năng đã đạt được, giúp người lao động tiết kiệm thời gian. Nước này còn có chính sách và chương trình hỗ trợ đặc biệt cho người cao tuổi, người khuyết tật, giúp họ tiếp cận các cơ hội giáo dục và đào tạo phù hợp.
“Chính sách về học tập suốt đời của Nhật Bản và các quốc gia có thể là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam để xây dựng Luật Học tập suốt đời, phù hợp với điều kiện và môi trương của đất nước”, bà Nguyễn Kim Dung gợi mở.
Theo bà Nguyễn Kim Dung, học tập suốt đời giúp người dân từ trẻ em đến trưởng thành và người cao tuổi không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng mới. Qua đó có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và xã hội. Điều này rất quan trọng trong việc đảm bảo mọi người có cơ hội phát triển bản thân, nâng cao năng lực và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia.