Nửa triệu đồng cho tour du lịch hái vải đêm tại Bắc Giang
Bên cạnh xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, một hình thức khác đưa vải đi xa hơn là khai thác du lịch, giá trị tinh thần từ quả vải.
Trải nghiệm tour du lịch hái vải đêm tại Bắc Giang, mỗi du khách sẽ được trang bị một chiếc đèn pin và một chiếc giỏ để du khách có thể soi và tìm xem chùm vải nào chín nhất, ngon nhất để hái.
Giá vé vào vườn để hái vải và ăn thỏa thích là 500.000 đồng/người, đã bao gồm chi phí chỗ ở qua đêm tại nhà người dân trong hợp tác xã. Đây là tour du lịch nông thôn thứ hai được triển khai trong năm nay, trước đó tour lấy mật ong hoa vải hồi tháng 3 đã thu hút khoảng 200 du khách tới vườn.
"Điều em thích nhất khi tham gia vào tour này là được hái vải từ trên cây xuống và xem quả nào ngon nhất thì ăn luôn", em Trương Vương Lan Nhi, học sinh, chia sẻ.
Theo đại diện tỉnh Bắc Giang, năm nay được mùa vải nên cơ quan quản lý đã chủ động xúc tiến tới các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ và Trung Quốc sớm hơn, ngay từ đầu tháng 2. Đặc biệt, năm nay việc xúc tiến vải còn được kết hợp với hình thức du lịch trải nghiệm.
Tổ chức những tour, tuyến du lịch miệt vườn chính là cách để làm thương hiệu về trái vải ngon và sạch. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Qua xúc tiến du lịch mùa vải này đã được giới truyền thông, các doanh nghiệp lữ hành rất quan tâm. Hiện nay đã bắt đầu hình thành các chuỗi liên kết, tour du lịch miệt vườn", ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, cho biết.
Tổ chức những tour, tuyến du lịch miệt vườn chính là cách để làm thương hiệu về trái vải ngon và sạch.
"Các nhà phân phối nội địa hiện nay đang bị một rào cản rất lớn là muốn tiêu dùng nhưng đang bị mù mờ về chất lượng, truy xuất các nguồn gốc. Những mô hình du lịch sẽ kết nối, không chỉ tại vườn mà ra cả các trung tâm siêu thị. Nếu nói vui thì mô hình nông nghiệp xưa là chúng ta đưa vườn ra chợ còn bây giờ là mang chợ về vườn", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan, nhận định.
Mùa vụ năm được năm mất, khó làm chủ do thời tiết và dịch bệnh, nhưng hình ảnh trái vải và người nông dân khi được xây dựng có thể trường tồn qua các mùa vụ. Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật vừa cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan.