A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những trường đại học nào đang đào tạo ngành bảo hiểm?

Hiện nay cả nước mới chỉ có một số ít các trường đại học đào tạo về ngành bảo hiểm như ĐH Kinh tế quốc dAn, ĐH Lao động- Xã hội, Học viện Tài chính...

Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, khoa Bảo hiểm đào tạo đại học chính quy 2 chuyên ngành Bảo hiểm xã hội và Kinh tế bảo hiểm, đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế bảo hiểm.

Một số học phần chính của ngành này như: Bảo hiểm doanh nghiệp, Bảo hiểm thương mại, Quản trị kinh doanh bảo hiểm, Quản trị rủi ro trong doanh nghiệp bảo hiểm...

Những trường đại học nào đang đào tạo ngành bảo hiểm? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2023, khoa Bảo hiểm tuyển sinh 180 chỉ tiêu. Các phương thức xét tuyển của trường bao gồm: Xét tuyển thẳng; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp; xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trước đó, năm 2022, điểm chuẩn ngành Bảo hiểm theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT là 26,4 điểm.

Theo thông tin tuyển sinh từ nhà trường, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm, làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm, làm giảng viên, nghiên cứu viên tại các viện, trường đại học, cao đẳng...

Năm 2023, Học viện Tài chính tuyển sinh chuyên ngành Tài chính bảo hiểm (thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng 3). Ngoài ra, trường cũng liên kết với Đại học Toulon (Pháp) đào tạo chương trình Bảo hiểm - Tài chính - Ngân hàng (90 chỉ tiêu).

Các phương thức tuyển sinh năm 2023 gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT; xét tuyển học sinh giỏi THPT; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023.

Sinh viên theo học sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực bảo hiểm kinh doanh gồm thiết lập và quản lý hợp đồng bảo hiểm, định phí bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, quản lý quỹ đầu tư, đánh giá tình hình tài chính và phân tích những vấn đề đặc thù trong cấu trúc tài chính trong doanh nghiệp bảo hiểm...

Trường ĐH Lao động - Xã hội đào tạo chính quy ngành bảo hiểm và bảo hiểm tài chính. Năm 2023, ngành bảo hiểm tuyển 100 chỉ tiêu cho cơ sở chính ở Hà Nội. Trong đó, 50 chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, 50 chỉ tiêu xét học bạ. Các tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, D01.

Đối với ngành bảo hiểm tài chính, nhà trường tuyển 150 chỉ tiêu, trong đó cơ sở chính ở Hà Nội tuyển 100 chỉ tiêu, cơ sở II ở TP.HCM tuyển 50 chỉ tiêu. Trong đó, 75 chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, 75 chỉ tiêu xét học bạ. Các tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, D01.

Năm 2022, điểm chuẩn ngành bảo hiểm và bảo hiểm tài chính theo phương thức xét học bạ là 18; Xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT ngành bảo hiểm là 21,5 điểm; bảo hiểm tài chính là 15 điểm. Tại cơ sở II ở TP.HCM, ngành bảo hiểm tài chính có điểm chuẩn 17,5.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đào tạo chính quy ngành bảo hiểm. Năm 2023, nhà trường tuyển 50 chỉ tiêu, xét học bạ các tổ hợp: A00, A01, D26, D27, D28, D29, D30, AH3, D01, D02, D03, D04, D05, D06, DD2, D07, D21, D22, D23, D24, D25, AH2. Xét từ kết quả thi tốt nghiệp các tổ hợp: A00, A01, D01, D07. Năm 2022, điểm trúng tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp là 24,8.

Ngoài ra, trường còn đào tạo chuyên ngành Phân tích rủi ro và định phí bảo hiểm (thuộc ngành Toán kinh tế). Chỉ tiêu năm 2023 là 55 sinh viên.

Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp cũng đào tạo ngành bảo hiểm với ba chuyên ngành: Định phí bảo hiểm; Kinh tế bảo hiểm; Bảo hiểm xã hội.

Năm 2023, nhà trường xét tuyển học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với các tổ hợp: A00; A01; C01 và D01. Ngoài ra, còn xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Năm 2022, điểm chuẩn xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT là 21, xét từ học bạ là 23,5. Xét theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức 14,5, Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức là 16,5.

Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM đào tạo chuyên ngành Bảo hiểm (thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng). Năm 2023, 4 phương thức tuyển sinh của trường bao gồm: Xét tuyển theo điểm thi THPT (các tổ hợp A00, A01, D01, C01); xét kết quả đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét kết quả học bạ.

Sinh viên sẽ được học các môn học gắn liền với chuyên ngành Bảo hiểm như: An sinh và bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm hàng hải, Bảo hiểm nhân thọ, Tái bảo hiểm, Tổ chức quản lý doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm thương mại, Bảo hiểm y tế, Đầu tư trong bảo hiểm.../.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật