A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều địa phương gặp khó trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Thực tiễn việc xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn vì các quận nội thành sĩ số học sinh tăng nhanh, trong khi hạ tầng trường lớp đáp ứng không kịp. Cùng với đó, việc thực hiện một số dự án trường chuẩn quốc gia chậm, do phải được phê duyệt về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội diễn ra sáng nay (23/4).

Nhiều địa phương gặp khó trong xây dựng trường chuẩn quốc gia
Quang cảnh hội nghị

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn TP đạt 80%

Báo cáo tại hội nghị cho thấy: Toàn TP có 1.424 dự án cho 3 lĩnh vực, được ngân sách TP hỗ trợ 45.191,2 tỷ đồng (không bao gồm 16 dự án trường THPT do ngân sách cấp huyện bố trí 100% vốn và 4 dự án xã hội hóa đầu tư). Trong đó, cấp TP có 104 dự án với 11.474,3 tỷ đồng; cấp huyện có 1.320 dự án với 33.716 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2024, TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.357 dự án, đạt 93,97% (tăng thêm 130 dự án so với kỳ họp tháng 1/2024); đã phê duyệt 1.211 dự án, đạt 83,86% (tăng 167 dự án so với kỳ họp tháng 1/2024); khởi công và triển khai xây dựng 844 dự án (tăng thêm 132 dự án so với kỳ họp tháng 1/2024).

Như vậy, giai đoạn 2021-2023, TP hoàn thành 342 dự án; dự kiến năm 2024, hoàn thành 426 dự án; lũy kế đến hết năm 2024, dự kiến có 768 dự án hoàn thành (đạt 53,2% số dự án).

Để có kết quả trên, UBND TP đã tổ chức 3 buổi giao ban với UBND các quận, huyện, thị xã nhằm rà soát tiến độ các dự án, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc cụ thể; đồng thời, giao các sở, ngành rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn TP đạt 80%. UBND TP giao Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên rà soát, đôn đốc các đơn vị thực hiện, đặc biệt, lưu ý kế hoạch công nhận lại trường chuẩn trong giai đoạn 2024-2025.

Đối với các dự án tu bổ di tích, UBND TP đã giao Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tháo gỡ đối với các di tích đang vướng thủ tục về quy hoạch; Sở cũng rà soát, đề xuất tháo gỡ vướng mắc báo cáo UBND TP.

Cùng với đó, UBND các quận, huyện, thị xã đã rà soát nguồn vốn để cân đối, bố trí vốn đối ứng cho từng dự án; tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ bố trí vốn đối ứng đạt thấp, trung bình 23,65% kế hoạch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tham mưu UBND TP báo cáo HĐND TP quyết nghị phê duyệt bổ sung tăng thêm 5.029,1 tỷ đồng hỗ trợ cấp huyện thực hiện 347 dự án, trong đó, bổ sung danh mục 72 dự án (gồm 43 dự án đầu tư cho trường học để giữ đạt chuẩn quốc gia năm 2024-2025 và 27 dự án tu bổ di tích). Các sở, ngành của TP cũng theo chức năng, nhiệm vụ, đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đối với các dự án theo tiến độ yêu cầu.

Còn 24 công trình vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy

Tại hội nghị, ý kiến từ các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện đánh giá, TP rất tích cực để đẩy nhanh các dự án về đích đúng hẹn khi đã được phê duyệt và bố trí vốn. Tuy nhiên, thực tiễn, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn vì các quận nội thành sĩ số học sinh tăng nhanh, trong khi hạ tầng trường lớp đáp ứng không kịp. Cùng với đó, việc thực hiện một số dự án trường chuẩn quốc gia chậm, do phải được phê duyệt về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Nhiều địa phương gặp khó trong xây dựng trường chuẩn quốc gia
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, lo ngại nhất là toàn TP còn 394 trường chuẩn quốc gia chưa được công nhận lại; trong đó, 189 trường đã quá hạn phải công nhận lại. Hiện, còn 24 công trình vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy, nên không quyết toán được, không đưa vào khai thác sử dụng.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh thông tin, quận đang gặp áp lực việc công nhận các trường chuẩn quốc gia, vì hạ tầng trên địa bàn quận mới đáp ứng được hơn 95.000 học sinh từ mầm non đến phổ thông nhưng số học sinh toàn quận tăng cao, trong khi quy định mới, trường đạt chuẩn phải có thêm các phòng chức năng, nên việc công nhận trường chuẩn quốc gia trên địa bàn quận rất vất vả.

Ngoài ra, một số ngành, địa phương gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng trường học; một số huyện khó khăn về vốn đối ứng, dẫn đến dự án chậm tiến độ. Đối với một số dự án di tích, y tế cũng khó khăn do điều chỉnh quy hoạch, hoặc phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương nên thời gian thủ tục đầu tư kéo dài.

Ngoài kiến nghị về việc TP hỗ trợ vốn cho các quận, huyện, thị xã để sớm hoàn thành các dự án theo kế hoạch, lãnh đạo một số địa phương cũng đề nghị, khi quy hoạch về trường học, cần cân đối quy hoạch dự án trường công lập và dân lập, tránh mất cân đối.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn biểu dương các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện, thị xã thời gian qua đã rất trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ của 3 lĩnh vực trên.

Nhấn mạnh, phải tập trung vào chất lượng các dự án công trình, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo, các ngành, đơn vị xác định rõ chủ trương xuyên suốt của Thành ủy, của Ban Chỉ đạo để tập trung triển khai đạt hiệu quả; tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn cho các công trình quan trọng, không đầu tư dàn trải.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thời gian tới, rà soát, tổng hợp các phần việc trên cơ sở bảo đảm rõ tiến độ, nhiệm vụ, trách nhiệm từng ngành, từng cấp; đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể cho từng khó khăn, vướng mắc để Ban Chỉ đạo chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt, cần tập trung tham mưu UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị đôn đốc, triển khai công việc, như: Cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia; phê duyệt phòng cháy, chữa cháy của các dự án; bảo đảm chỉ tiêu về giường bệnh (đội ngũ cán bộ, nhân viên vận hành, thiết bị bệnh viện)…; đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện ở các huyện Mỹ Đức, Mê Linh, Bệnh viện Nhi cơ sở 2.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư, với trách nhiệm chủ trì tham mưu UBND TP về lĩnh vực này, cần thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương để rà soát các dự án, nếu dự án chậm triển khai thì có hướng điều chuyển vốn cho các dự án khác. Đối với những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, các đơn vị cần tập trung triển khai các bước tiếp theo để sớm khởi công dự án.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật