A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà trường được chọn sách giáo khoa - thầy cô vui, học sinh được lợi

Sau một thời gian giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các tỉnh, thành phố và vấp nhiều ý kiến trái chiều, mới đây Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 27 quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay thế Thông tư 25. Bắt đầu từ năm 2024, quyền chọn sách giáo khoa sẽ được trả lại cho nhà trường.

Nhà trường được chọn sách giáo khoa - thầy cô vui, học sinh được lợi

Thông tư 27 về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12.2. Ảnh: Bích Hà

Lý do nên trả quyền chọn SGK về cho các trường

Điểm khác biệt lớn nhất của thông tư 27 là quyền quyết định chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.

Cụ thể, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Chia sẻ về việc Bộ GDĐT trao quyền chọn sách giáo khoa về cho các trường, cô Lê Thu Cường - giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (Hà Tĩnh) - đánh giá, nói trao quyền cho cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên lựa chọn sách giáo khoa, cũng có nghĩa là trao quyền đó cho giáo viên - những người trực tiếp làm công tác chuyên môn.

"Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục bày tỏ ủng hộ việc trao quyền lựa chọn SGK về cho các nhà trường và đội ngũ giáo viên bởi chính những giáo viên là người trực tiếp giảng dạy học sinh, họ cũng là những người sát nhất với chương trình, với học sinh nên khi nghiên cứu SGK, các thầy cô có thể nhìn ra được điểm mạnh, yếu của từng bộ sách để thuận lợi cho quá trình dạy học" - cô Thu Cường nhìn nhận.

Đồng quan điểm với cô Cường, thầy Ngô Trường Minh - giáo viên tại Trường THPT Kiến Thuỵ (Hải Phòng) cũng cho hay, trao quyền chọn sách cho cơ sở giáo dục phổ thông là quyết định hợp lý nhất.

"Khi nhà trường và các giáo viên kết hợp thảo luận, nghiên cứu sẽ tìm ra được bộ sách giáo khoa nào là thích nhất, phù hợp nhất với học sinh của trường.

Tuy nhiên, khi các trường tham gia vào việc chọn sách, cần chú ý tới các vấn đề như: Giáo viên không bảo đảm đủ thời gian nghiên cứu hết các bộ sách; có môn học, nhà trường chỉ có một giáo viên nên việc đánh giá dễ mang tính chủ quan…" - thầy Minh nêu ý kiến.

Người tham gia biên soạn sách giáo khoa không nằm trong hội đồng chọn sách

Thông tư 27 cũng quy định rõ, số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người. Mỗi cơ sở giáo dục có 1 hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.

Đặc biệt, người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa không được tham gia hội đồng. Tứ thân phụ mẫu và anh chị em ruột thịt hai bên vợ/chồng của người làm sách giáo khoa cũng không được phép có mặt trong hội đồng này.

Tương tự, người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được phép liên quan tới hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục.

Theo cô Nguyễn Mai Linh - giáo viên cấp THPT tại quận Đống Đa (Hà Nội), quy định người tham gia biên soạn sách giáo khoa không nằm trong hội đồng chọn sách sẽ tránh được nhiều hạn chế và đảm bảo được sự minh bạch, công bằng trong quá trình chọn sách.

"Lựa chọn SGK cần dựa trên nguyên tắc khách quan, lấy lợi ích chung của học sinh đặt lên trên hàng đầu. Nếu người biên soạn tham gia vào quá trình chọn sách sẽ dễ gây ra tình trạng lợi ích nhóm" - giáo viên thẳng thắn nói.

Đối với ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - lại cho hay: "Việc sử dụng loại sách nào phụ thuộc vào ý kiến từ hội đồng của các tỉnh thành lập là không hợp lý về mặt khoa học và thực tiễn. Bởi người không sử dụng không thể chọn cho người sử dụng, hoặc một vài người lại chọn cho số đông”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan