A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lá nho, siêu thực phẩm bị lãng quên trong bữa ăn hàng ngày

Lá nho rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, nên thêm lá nho vào bữa ăn hàng ngày để tận dụng tối đa những lợi ích này.

Lá nho, siêu thực phẩm bị lãng quên trong bữa ăn hàng ngày

Giá trị dinh dưỡng của lá nho. Ảnh: Thùy Dương

Giá trị dinh dưỡng của lá nho

“Lá nho chứa rất ít calo nhưng lại cung cấp lượng lớn vi chất cần thiết cho cơ thể như vitamin A, C, K, chất xơ, canxi và sắt", chuyên gia dinh dưỡng Avni Kaul, nhà sáng lập Trung tâm Sức khỏe và Dinh dưỡng NutriActivania (Ấn Độ), cho biết.

Cụ thể, khoảng 14 gram lá nho (tương đương 5 lá) cung cấp:

14 kcal năng lượng

77% nhu cầu vitamin A khuyến nghị mỗi ngày

120% vitamin K

6% vitamin C

Cùng các chất khác như protein, chất xơ, canxi và sắt.

7 lợi ích sức khỏe nổi bật của lá nho

Theo chuyên gia Avni Kaul, việc đưa lá nho vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe rõ rệt:

Chống oxy hóa mạnh: Lá nho giàu flavonoid và axit phenolic - các hợp chất có khả năng trung hòa gốc tự do, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường hay ung thư.

Tăng cường sức khỏe xương khớp: Hàm lượng vitamin K cao trong lá nho góp phần duy trì mật độ khoáng xương, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh.

Bảo vệ thị lực: Vitamin A và beta-carotene trong lá nho hỗ trợ chức năng võng mạc, phòng ngừa thoái hóa điểm vàng và chứng quáng gà.

Hỗ trợ tiêu hóa: Lượng chất xơ dồi dào trong lá nho giúp cải thiện nhu động ruột, hạn chế táo bón và duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.

Chống viêm tự nhiên: Các polyphenol như quercetin và kaempferol có trong lá nho có khả năng ức chế phản ứng viêm, giúp giảm đau nhức cơ xương khớp và các bệnh viêm mãn tính.

Tốt cho tim mạch: Lá nho tự nhiên ít natri và chất béo bão hòa, đồng thời cung cấp kali và magie - hai chất có vai trò quan trọng trong điều hòa huyết áp và ổn định cholesterol máu.

Hỗ trợ kiểm soát đường huyết: Polyphenol trong lá nho có thể cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát lượng glucose trong máu - phù hợp cho người mắc đái tháo đường type 2.

Cách sử dụng và những lưu ý khi ăn lá nho

Lá nho có thể được sử dụng để chế biến nhiều món ăn như:

Dolmas (lá nho nhồi cơm gạo lứt và rau thơm)

Lá nho hấp hạt kê, đậu gà

Lá nho nhồi hạt diêm mạch (quinoa) ăn kèm sữa chua Hy Lạp

Tuy nhiên, chuyên gia Avni Kaul lưu ý: “Một số loại lá nho được bảo quản bằng cách ngâm muối có thể chứa lượng natri cao, không tốt cho người bị huyết áp cao hoặc bệnh tim mạch. Ngoài ra, ăn quá nhiều lá nho cũng có thể gây đầy hơi hoặc chướng bụng do hàm lượng chất xơ lớn. Người bị dị ứng với quả nho cũng nên cẩn trọng".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật