Cá mái chèo dài gần 2m dạt biển Ninh Thuận, người dân mai táng theo phong tục
Ninh Thuận – Cá mái chèo dài gần 2m dạt vào bờ biển. Đây là loài cá hiếm, sống ở vùng nước sâu và gắn với nhiều truyền thuyết kỳ bí về sóng thần.
Cá mái chèo dài gần 2m dạt vào khu vực bờ biển Ninh Thuận, người dân mai táng theo phong tục. Ảnh: Hữu Long
Ngày 19.5, ông Nguyễn Thành Châu – Trưởng thôn Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) xác nhận, người dân địa phương vừa phát hiện một cá thể cá mái chèo quý hiếm dạt vào bờ biển.
Theo ông Châu, cá dài gần 2m, phần đuôi đã bị đứt khi được phát hiện vào sáng 18.5. "Khi đó, con cá vẫn còn sống, vùng vẫy rất mạnh. Người dân nhanh chóng tiến hành cứu hộ và thả cá trở lại biển. Tuy nhiên không lâu sau, cá tiếp tục trôi dạt vào bờ và chết", ông Châu cho hay.
Người dân địa phương sau đó đã tổ chức mai táng con cá theo phong tục, thể hiện sự tôn kính với loài cá gắn liền với nhiều truyền thuyết biển cả. Đây là lần đầu tiên người dân Vĩnh Hy chứng kiến cá mái chèo dạt vào bờ biển tại khu vực này.
Cá mái chèo (tên khoa học: Regalecus glesne) là loài cá có xương dài nhất thế giới, thường sinh sống ở độ sâu hàng trăm mét dưới mực nước biển. Thân hình thuôn dài như dải lụa, loài cá này có thể dài trung bình 3m, cá thể lớn có thể lên tới 11m. Chúng chủ yếu ăn sinh vật phù du, nhuyễn thể, mực và các loài giáp xác nhỏ.
Loài cá này rất hiếm khi xuất hiện ở vùng biển gần bờ. Sự hiện diện bất thường của chúng nhiều lần gây xôn xao dư luận, đặc biệt tại Nhật Bản – nơi cá mái chèo còn được gọi là “Ryugu no tsukai” (sứ giả từ cung điện Thủy thần).
Theo truyền thuyết Nhật Bản, cá mái chèo thường xuất hiện trước khi xảy ra động đất hoặc sóng thần, như một “điềm báo” thiên tai sắp xảy ra. Tuy vậy, giới khoa học chưa tìm được bằng chứng cụ thể chứng minh mối liên hệ giữa cá mái chèo và các hiện tượng địa chấn.
Tại Việt Nam, cá mái chèo rất hiếm khi xuất hiện và việc dạt vào bờ như ở Vĩnh Hy (Ninh Thuận) là trường hợp hiếm gặp. Người dân địa phương cho biết, họ không suy đoán quá mức về hiện tượng này, nhưng vẫn thực hiện nghi lễ mai táng để thể hiện sự trân trọng đối với loài sinh vật biển hiếm thấy này.