A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không còn tình trạng chèo kéo khách ở chùa Hương

Việc thành lập Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương giúp công tác điều hành, vận chuyển khách bằng thuyền, đò ở Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) có chuyển biến tích cực.

Không còn tình trạng chèo kéo khách ở chùa Hương

Khách đi đò ở Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn dịp Tết Giáp Thìn. Ảnh: Hải Nguyễn

Người dân phấn khởi, du khách hài lòng

Trong ngày khai hội chùa Hương 2024, cô Bùi Thị Minh (48 tuổi, xóm 5) - lái đò chùa Hương - bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trong năm đầu tiên tham gia Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương. Cô cho biết, việc phân chia chở đò đã công bằng, không còn cạnh tranh như trước. Vì đăng ký trực tiếp với hợp tác xã và phân chia lợi nhuận rõ ràng, thu nhập của cô cũng cao hơn.

Không chỉ lái đò có công ăn việc làm ổn định, người dân địa phương cũng có thêm thu nhập khi tham gia công tác điều phối, quản lý.

Anh Phạm Ngọc Long là người dân xã Hương Sơn, tham gia công tác hướng dẫn điều hành thuyền đò cho du khách cho biết, năm nay có sự khác biệt so với mọi năm là không còn tình trạng chèo kéo khách. Hợp tác xã đã triển khai quy củ, xếp số tại 10 cổng kiểm soát vé. Bà con có hộ khẩu trong xã Hương Sơn có nhu cầu chở khách được đăng ký vào hợp tác xã. Vì vậy, người dân lao động cảm thấy rất hài lòng. Còn du khách cũng cảm nhận đây là một lễ hội văn minh, sạch đẹp.

Không còn những “cò mồi” săn đón, dụ dỗ suốt quãng đường dẫn vào chùa, du khách có trải nghiệm du lịch tâm linh văn minh, thân thiện. Dù vậy, trong năm đầu triển khai, khâu tổ chức, điều phối vẫn còn một số hạn chế.

Theo ghi nhận của Lao Động, một số lái đò và du khách phản ánh về việc chủ đò giành khách ở điểm đón, thời gian chờ lâu gây ách tách ở bến, lái đò xin tiền “bo” của khách.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn - cho biết: “Đổi mới gì cũng bộc lộ ra một số điểm hạn chế nhất định. Đổi mới là tốt nhưng trong quá trình đó vẫn sẽ tồn tại bất cập. Từ phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ điều chỉnh phù hợp và có phương án xử lý.

Ví dụ, ban quản lý cho phép người dân ghép thuyền nhưng những người muốn đi riêng nhóm 2-3 người thì cần thỏa thuận để bù tải, đảm bảo ngày công cho người lao động. Những gia đình hoặc đoàn đi 7 người vẫn được tạo điều kiện đi chung đò dù quy định đò chở tối đa 6 người”.

Điểm mới tích cực

Lễ hội chùa Hương năm 2024 diễn ra từ ngày 11.2 đến hết ngày 1.5 (từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn).

Năm nay, huyện Mỹ Đức thành lập Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách tham quan lễ Phật. Hiện có gần 4.000 chiếc thuyền, đò được người dân đăng ký vận chuyển khách tại lễ hội chùa Hương năm 2024. Tất cả các thuyền, đò đăng ký vào hợp tác xã được sơn màu xanh, đánh số, có lô gô hợp tác xã, trang bị đầy đủ áo phao, vật nổi… theo quy định.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn - nhấn mạnh, hợp tác xã vận chuyển hành khách là điểm mới nhất của công tác tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay.

Ông cho biết: “Năm nay, số du khách đã chia đều cho lái đò. UBND xã Hương Sơn trực tiếp quản lý hợp tác xã này. Phương án của hợp tác xã là chia doanh thu 70% cho người lao động, 30% về hợp tác xã dành cho công tác đóng thuế và quản lý, công khai minh bạch, rõ ràng. Hợp tác xã cũng yêu cầu người lái đò cam kết chở khách văn minh, an toàn, đưa đón khách tận nơi”.

Qua ghi nhận của Lao Động các năm trước, lễ hội chùa Hương từng có vấn nạn “cò mồi”, chèo kéo khách sử dụng một hệ thống dịch vụ khép kín. Từng có những năm, du khách cách chùa 20km đã có người chạy theo gõ cửa xe để chèo kéo, đưa số điện thoại liên hệ. Tình trạng này xảy ra nhiều năm khiến du khách bức xúc, gây mất trật tự an toàn giao thông, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ đò.

Cuối năm 2023, mô hình hợp tác xã vận chuyển hành khách chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, tình trạng chèo kéo, tranh giành khách đi thuyền, đò ở chùa Hương đã không còn. Lái đò được cung cấp áo nhận diện, đeo thẻ đánh số, chia về 10 cổng để đón trả khách theo thứ tự.

Giá vé sử dụng dịch vụ thuyền, đò được niêm yết công khai, gồm: Tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; Tuyến Long Vân: 65.000 đồng/người/ 2 lượt vào, ra; Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/người/ 2 lượt vào, ra.

Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra Lễ hội, Ban Quản lý Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò; phân luồng giao thông.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan