A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng đi mở cho nhiều học sinh lớp 9

Trong bối cảnh tuyển sinh vào lớp 10 hết sức khắt khe thì trong vài năm qua, mô hình 9+ đang được xem như một giải pháp đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau bậc THCS, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho cả người học cũng như xã hội.

Học song bằng với mô hình 9+

Ngay sau khi hoàn tất chương trình THCS, các bạn học sinh có thể tham gia chương trình đào tạo 9+ tại các trường cao đẳng nghề và sẽ được học song song kiến thức để hoàn tất chương trình Trung học phổ thông (THPT), đồng thời trau dồi kỹ năng thực hành nghề trong thời gian khoảng 3 năm.

Điều này giúp học sinh THCS có thể giảm thiểu tối đa những áp lực căng thẳng của kì thi tuyển sinh lớp 10 cũng như xác định cụ thể con đường nghề nghiệp mà mình sẽ theo đuổi trong tương lai.

Mô hình đào tạo 9+ cho phép học sinh học nghề sớm, tạo ra nguồn nhân lực tay nghề cao cho xã hội

Mô hình đào tạo 9+ cho phép học sinh học nghề sớm, tạo ra nguồn nhân lực tay nghề cao cho xã hội

Nắm bắt được nhu cầu thực tiễn và ưu điểm cũng như những giới hạn của đối tượng tốt nghiệp THCS, 5 năm qua, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã triển khai chương trình đào tạo cho học sinh hết lớp 9 (cao đẳng 9+).

“Nhà trường áp dụng chương trình học “song bằng” vừa học nghề vừa học văn hóa THPT (hệ THPT - Cao đẳng). Với học sinh cao đẳng 9+, sau khi tốt nghiệp THPT, các em đã có cơ hội thực tập tại doanh nghiệp và được trả lương đồng thời học bổ sung một số kiến thức, kỹ năng để lấy bằng cao đẳng chính quy”, TS. Lê Danh Quang, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết.

Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội  hợp tác với nhiều đơn vị để đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu thực tế

Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội hợp tác với nhiều đơn vị để đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu thực tế

Đối với một số học sinh do hoàn cảnh gia đình và năng lực của bản thân muốn tiếp cận việc làm sớm, việc học tiếp 3 năm THPT rồi thêm 4-5 năm đại học thực sự là không cần thiết. Do đó, lựa chọn học nghề sớm sau khi tốt nghiệp THCS sẽ giúp học viên đi con đường ngắn hơn đến việc làm.

Chia sẻ về nâng cao chất lượng chương trình đào tạo cao đẳng 9+, ông Phạm Ngọc Chuyên, Chủ tịch Công ty Tân Hải Anh cho biết: “Việc này giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí đào tạo ban đầu, đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất. Những em xuất sắc được công ty đề nghị mời về làm việc, cơ hội thăng tiến rõ ràng, thậm chí đảm nhiệm vị trí cán bộ chủ chốt trong tương lai”.

Tiếp cận sớm thị trường lao động

Mô hình 9+ (vừa học văn hoá vừa học nghề) mở ra nhiều con đường cho học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 THPT hoặc những em sớm có định hướng nghề nghiệp.

TS. Lê Danh Quang Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội còn cho biết thêm: “Để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, Trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội còn phối hợp với UBND các địa phương để đào tạo nghề theo đơn đặt hàng”.

Sau tốt nghiệp chương trình 9+, người học sẽ có kiến thức vững vàng về chuyên môn, văn hóa và đáp ứng nhu cầu lao động trên thị trường

Sau tốt nghiệp chương trình 9+, người học sẽ có kiến thức vững vàng về chuyên môn, văn hóa và đáp ứng nhu cầu lao động trên thị trường

Theo học tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, em Nguyễn Trọng Hoàng cho hay: “Lực học của em không tốt, nếu cứ cố gắng ôn luyện thì không hiệu quả và khó đỗ lớp 10. Vì vậy em quyết định chuyển sang học nghề, sau 3 năm vừa có bằng cấp 3 vừa có bằng trung cấp nghề. Em sẽ sớm đi làm và có thu nhập phụ giúp bố mẹ.

Theo em, điều quan trọng nhất với người học nghề hệ 9+ là phải học bằng sự nỗ lực và đam mê nghề nghiệp. Từ đó các bạn sẽ có động lực để phấn đấu”, Trọng Hoàng cho biết.

Cùng quan điểm với nhiều phụ huynh khác, chị Nguyễn Thu Thủy (37 tuổi, Long Biên, Hà Nội) vẫn luôn động viên con tìm hiểu và có lựa chọn hướng đi cho tương lai đúng với năng lực bản thân. Chị Thủy chia sẻ: “Với tôi vào lớp 10 THPT không phải là con đường duy nhất đối với học sinh sau THCS. Biết lực học của con nên tôi không tạo áp lực cho con. Học nghề vẫn là con đường rộng mở để con bước vào đời. Nếu nỗ lực thì con đường nào cũng thành công”.

Với mô hình này, khi hoàn thành chương trình học, các em vừa có bằng văn hoá tương đương bằng THPT vừa có bằng nghề

Với mô hình này, khi hoàn thành chương trình học, các em vừa có bằng văn hoá tương đương bằng THPT vừa có bằng nghề

Trong những năm gần đây việc phân luồng, hướng nghiệp đang được đẩy mạnh ở các nhà trường nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho học sinh phát triển nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh của cá nhân. Khi việc thi tuyển vào lớp 10 THPT rất khó khăn thì mô hình 9+ được nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn bởi học hình thức này phù hợp với năng lực của nhiều bạn trẻ và sau tốt nghiệp các em vừa có bằng văn hóa vừa có bằng nghề lại mở ra cơ hội có việc làm sớm.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật