Hướng đến lễ hội Lim văn minh, an toàn
Công tác tổ chức Lễ hội Lim 2025 được tăng cường nhằm bảo đảm Lễ hội vùng Lim Xuân Ất Tỵ diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh.
Lễ hội Lim 2025 diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi dịp Xuân Ất Tỵ. Ảnh: Huyền Chi
Không còn tình trạng “chặt chém” giá dịch vụ, hàng hóa
Ông Ngô Xuân Tính - Phó Trưởng ban Chỉ đạo lễ hội, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tiên Du - cho biết, UBND huyện Tiên Du huy động 300 công an và 100 người thuộc lực lượng quân sự và dân quân tự vệ chia làm 17 chốt để đảm bảo an ninh trật tự, tránh ách tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng “chặt chém”, đặc biệt là giá vé gửi xe và hàng hóa, dịch vụ trong lễ hội.
Năm nay, UBND huyện Tiên Du giao Phòng Kinh tế hạ tầng và Công an huyện Tiên Du xây dựng kế hoạch chi tiết các điểm trông, giữ xe, đồng thời kiểm tra, xử lý vi phạm tại các khu vực trông giữ xe, tránh tình trạng tăng giá vé gửi xe được ghi nhận như những năm trước.
Thông tin về công tác tổ chức lễ hội, bà Nguyễn Thị Hào - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng ban Chỉ đạo lễ hội vùng Lim Xuân Ất Tỵ - chia sẻ, ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện công tác kiểm tra phòng dịch, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu các hộ kinh doanh tại lễ hội ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, các cửa hàng, quán niêm yết giá cụ thể; nghiêm cấm các dịch vụ điện tử, các trò chơi dùng loa có công suất lớn, hoạt động tại các điểm gần trung tâm lễ hội…
Trong khuôn khổ 2 ngày tổ chức (ngày 9 và 10.2.2025), Lễ hội Lim tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng như chương trình văn nghệ, hát quan họ; các trò chơi dân gian như đu tiền, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân… tại khu vực đồi Lim; văn hóa ẩm thực, vui chơi giải trí, bắn pháo hoa tầm thấp. Trong ngày khai hội 9.2 (12 tháng Giêng năm Ất Tỵ), lễ hội Lim thu hút hàng nghìn người về du Xuân, trẩy hội, tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu năm mới.
Tăng cường quản lý hoạt động hát quan họ
Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, các lán hát quan họ trong khuôn viên Lễ hội Lim đặt hòm nhận ủng hộ Quỹ Bảo tồn và phát triển Dân ca quan họ Bắc Ninh. Khi có du khách quyên góp, các câu lạc bộ sẽ ghi nhận đóng góp vào sổ, đảm bảo tính minh bạch.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, liền chị Đỗ Thị Lam, hoạt động trong câu lạc bộ quan họ thực hành nói rằng, tiền ủng hộ của người dân đến tham quan sẽ góp vào quỹ chung để bảo tồn và phát triển dân ca quan họ.
“Đầu tiên, câu lạc bộ sẽ công đức một khoản ủng hộ vào chùa, thắp hương, lễ Phật. Sau đó, số tiền được dùng để nâng cấp cơ sở vật chất như phòng hát cho câu lạc bộ. Số tiền công đức dù ít hay nhiều đều được ghi lại, thống kê thu chi rõ ràng, dùng để duy trì hoạt động cho câu lạc bộ như thuê nhạc cụ, thiết bị âm thanh cho lễ hội...” - chị Đỗ Thị Lam chia sẻ.
Nhiều năm qua, Ban chỉ đạo lễ hội đã nghiêm cấm tất cả hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền, khuyến khích các điểm hát quan họ dùng nhạc cụ dân tộc. Không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng, các loại nhạc khác không phù hợp.
Lán sinh hoạt của các câu lạc bộ tổ chức hát giao lưu, hát đối đáp quan họ phục vụ du khách, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm hát quan họ, ăn trầu cánh phượng, hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật lâu đời.
Một số hoạt động khác được nghiêm cấm như các trò chơi điện tử, xiếc, môtô bay, các trò chơi dân gian để tổ chức cờ bạc trá hình; chơi chọi gà... để đảm bảo tính trang nghiêm, an toàn và tiết kiệm cho lễ hội.