Hà Nội: Điều trị bệnh nhân di chứng đột quỵ
Ngày 4/1, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông tin, Khoa Y dược cổ truyền của bệnh viện đã kịp thời can thiệp, điều trị thành công cho nữ bệnh nhân ở Hà Nội bị di chứng đột quỵ.
Nữ bệnh nhân là chị T.P.L, 42 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội. Theo người nhà BN L. cho biết, tháng 9/2021, bệnh nhân bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não. Sau khi can thiệp bằng phẫu thuật và chăm sóc tích cực, tình trạng bệnh đã ổn định.
Tuy nhiên, di chứng đi kèm là nửa người phải bị liệt kèm theo thất ngôn diễn đạt - mất ngôn ngữ cấp tính, suy giảm nghiêm trọng khả năng giao tiếp của bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thăm khám cho bệnh nhân. |
Mong muốn sớm cải thiện tình hình, bệnh nhân L. đã được gia đình đưa tới nhiều bệnh viện và phòng khám để can thiệp điều trị. Đáng tiếc, kết quả không được như kỳ vọng của gia đình. Tình trạng bệnh tiến triển gần như không có gì đáng kể.
Tháng 12/2022 được người quen giới thiệu, bệnh nhân L. được gia đình đưa vào Khoa Y dược cổ truyền – Bệnh viện đa khoa Đức Giang để điều trị. Lúc này tinh thần của bệnh nhân L và gia đình ít nhiều đều bị ảnh hưởng sau hành trình tương đối dài chữa chạy.
Hiểu được tâm lý này, bác sĩ nội trú Mai Văn Dũng, Khoa Y dược học cổ truyền - người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân - một mặt vừa đưa ra phác đồ can thiệp tích cực: sáng cho bệnh nhân tập vận động và vật lý trị liệu, chiều tiếp tục cho bệnh nhân tập phát âm, giao tiếp kết hợp xoa bóp bấm huyệt, châm cứu trị liệu.
Mặt khác, bác sĩ không ngừng động viên cổ vũ tinh thần bệnh nhân và gia đình. Ngoài ra, toàn bộ quá trình phục hồi đều được theo dõi và ghi chép cẩn thận để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong từng thời điểm.
Nhờ tích cực can thiệp đúng hướng, hiện tại khả năng vận động và khả năng giao tiếp của bệnh nhân đều được cải thiện đáng kể. Tình trạng co cứng chân tay đã được giảm thiểu. Bệnh nhân đã tự đi lại được mà không cần sự hỗ trợ của người thân.
Quá trình giao tiếp cũng được thực hiện bằng những câu dài, bệnh nhân đã có thể hát được nhiều bài đơn giản thay vì chỉ nói từng từ như trước kia.
Những tưởng sẽ phải gắn chặt cuộc đời với chiếc giường do di chứng liệt nửa người lâu năm sau tai biến. Không ngờ, nơi cuối con đường lại là ánh sáng. Kết quả kỳ diệu sau khi can thiệp bằng y học cổ truyền đã đem đến hy vọng sống mạnh mẽ cho bệnh nhân.