A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ khó cho 'bậc học ươm mầm'

Giáo dục mầm non hiện sở hữu nhiều “cái nhất”: thiếu cơ sở vật chất nhất, thiếu giáo viên nhất, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất, giáo viên nghỉ việc nhiều nhất, thu nhập của giáo viên thấp nhất, giáo viên áp lực nhất, các chính sách đầu tư cho cấp học ít nhất. Đó là lý do mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới lý do cần quan tâm tới bậc học này.

Bậc học mầm non cần được quan tâm hơn nữa trong hệ thống giáo dục. (Ảnh minh họa - Nguồn: Trường mầm non KĐT Việt Hưng)

Bậc học mầm non cần được quan tâm hơn nữa trong hệ thống giáo dục. (Ảnh minh họa - Nguồn: Trường mầm non KĐT Việt Hưng)

Tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn chưa được khắc phục

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT Nguyễn Bá Minh cho biết, năm học 2023 - 2024 tăng 6.646 giáo viên; giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm trở lên 91,3%, tăng 4,0%; trên chuẩn đạt 67,6%, tăng 2,5%; giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo còn 8,7%, giảm 4,0%. Công tác phát triển mạng lưới trường, lớp, đầu tư cơ sở vật chất tăng 4.891 nhóm/lớp, giảm được 1.283 điểm trường lẻ. Tỷ lệ huy động trẻ tăng, nhà trẻ 34,6%, tăng 2,5%; mẫu giáo đạt 93,6%, tăng 0,5%.

Mặc dù vậy, chính sách xã hội hoá đối với giáo dục mầm non còn nhiều bất cập, chưa đủ mạnh để huy động nguồn lực xã hội phát triển giáo dục mầm non. Tại nhiều địa phương, chính sách, trường lớp chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn chưa được khắc phục, chế độ chính sách cho giáo viên mầm non còn nhiều bất cập. Còn xảy ra những tai nạn, thương tích đáng tiếc cho trẻ trong một số cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục…

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1.248 trường mầm non với số trẻ 340.746. Để bảo đảm chỗ học trẻ em mầm non, theo bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, tạo tiền đề, động lực mới để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách về xã hội hoá giáo dục, xã hội hoá các trường mầm non có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, có nhiều chính sách thu hút giáo viên mầm non; tạo sân chơi, gắn kết giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Để cha mẹ hiểu con hơn, hiểu giáo viên và cảm thông cho ngành Giáo dục. Đồng thời, tạo niềm tin của cha mẹ học sinh, hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.

Là đơn vị thực hiện thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, khó khăn hiện nay đến từ việc thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên mầm non. Do đó, Sở GD&ĐT Bắc Giang kiến nghị Bộ GD&ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để các đơn vị được tham gia thí điểm hiểu về Chương trình giáo dục mầm non mới và quy trình thí điểm. Hỗ trợ kịp thời về các điều kiện trong quá trình triển khai thí điểm. Có chế độ ưu đãi kịp thời đối với giáo viên trẻ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực tham gia tuyển dụng để bảo đảm đủ định biên giáo viên/lớp theo quy định.

Về chính sách xã hội hóa giáo dục, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Giáo dục mầm non và tiểu học, Sở GD&ĐT Bến Tre chia sẻ, địa phương gặp một số khó khăn trong xác định danh mục khoản thu, chế độ cho giáo viên tiếng Anh. Và trong công tác tổ chức bán trú cho trẻ em mầm non cần nhiều nhu cầu, nhưng không đồng nhất với chính sách, dẫn tới khó thực hiện. Sở GD&ĐT Bến Tre mong muốn Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ban, ngành, điều chỉnh hệ thống văn bản, bảo đảm tính thống nhất, ban hành các danh mục sát với hoạt động mang tính đặc thù của giáo dục mầm non.

Bởi vậy, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục mầm non Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ bổ sung chỉ tiêu biên chế cho các tỉnh/thành phố để các địa phương tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ bảo đảm định mức theo quy định; bổ sung các chính sách phát triển giáo dục mầm non như chính sách thu hút, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non; chính sách hỗ trợ cho trẻ em mầm non; chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Còn trên 15% trường mầm non tạm, chưa kiên cố hóa

Chia sẻ những “cái nhất” của giáo dục mầm non như thiếu cơ sở vật chất nhất, thiếu giáo viên nhất, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất, giáo viên nghỉ việc nhiều nhất, thu nhập của giáo viên thấp nhất, giáo viên áp lực nhất, các chính sách đầu tư cho cấp học ít nhất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới những thách thức rất lớn đặt ra đối với giáo dục mầm non và cần sự quan tâm đặc biệt tới cấp học này.

“Chúng ta đang chủ trương giáo dục phát triển con người toàn diện, trong đó đặc biệt chú ý đến phát triển nhân cách, đạo đức, tâm lý, tình cảm, thể chất… Và chúng ta đều hiểu về khoa học giáo dục, hầu hết yếu tố quan trọng nhất đều được hình thành ở bậc mầm non, thậm chí sớm hơn. Chúng ta mong muốn người Việt Nam sống khỏe, tuổi thọ cao và để có sức khỏe ở tuổi già thì cần quan tâm từ bậc bé nhất về vấn đề dinh dưỡng, chăm sóc thể chất… Với nhiều lý do, đương nhiên chúng ta cần quan tâm bậc học này”, Bộ trưởng nói.

Từ thực tế địa phương, nhiều ý kiến nhận định, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non được ban hành đã gỡ khó nhiều mặt quan trọng trong phát triển giáo dục mầm non tại các địa phương. Tuy nhiên, về sự quan tâm với bậc học mầm non, theo Bộ trưởng còn nhiều điều cần bàn.

Một số thách thức cụ thể của bậc học được Bộ trưởng đề cập. Đó là, chiều sâu kết quả giáo dục mầm non khó tính đếm được về thành tích như các cấp học khác. Giáo viên mầm non việc nặng, lương thấp, áp lực nhiều dẫn tới thách thức chăm lo đội ngũ bảo đảm về số lượng, chất lượng, yên tâm công tác phát triển chuyên môn. Mạng lưới giáo dục mầm non phân tán, đa dạng loại hình, khó kiểm soát về đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn phát sinh về an toàn rất cao.

Đối với thách thức về việc còn trên 15% trường tạm, chưa kiên cố hoá, Bộ trưởng cho rằng, tiềm ẩn sau đó là sự bất bình đẳng giáo dục cấp mầm non.

“Chúng ta đang hướng tới chuẩn bị phổ cập 3 - 4 tuổi, sẽ cần thêm nhiều chỗ học cho trẻ. Khi phổ cập 5 tuổi nhiều nơi đã dành trường học lớp 4 tuổi cho 5 tuổi. Do đó, phổ cập mầm non 3 - 4 tuổi sẽ thách thức lớn nếu không có sự chuẩn bị. Nhưng đây cũng là cơ hội”, Bộ trưởng nhận định. Đồng thời ông cũng lưu ý về một số thách thức khác như chuẩn bị điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; thách thức trong chuyển đổi số ở bậc học này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu cần có sự đổi mới, sự quan tâm hơn trong nội bộ ngành với cấp mầm non. Trong đó, cần thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính để thiết thực giảm áp lực cho giáo viên, cán bộ quản lý bậc học mầm non. Bộ trưởng cũng đề nghị cán bộ, giáo viên cấp học mầm non tham gia tích cực vào xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung bảo vệ nhà giáo. Các Sở GD&ĐT tranh thủ chương trình phổ cập, chương trình mục tiêu quốc gia… để từng bước kiên cố hoá và hướng tới hiện đại hoá cơ sở vật chất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát, đặc biệt là các nhóm lớp. Tập trung phân tích chính sách, những điểm còn mâu thuẫn chồng chéo về chính sách cần tập hợp, cùng lên tiếng phân tích để kiên trì thuyết phục điều chỉnh…


Tác giả: Uyên Na
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan