A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Loay hoay phương án khai thác du lịch ở Hải Vân Quan

Sau hơn 2 năm trùng tu, di tích Hải Vân Quan bắt đầu đưa vào khai thác du lịch kể từ 1.8. Đây là di tích chung, nằm ngay ranh giới 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Việc trùng tu là phối hợp thực hiện chung, nhưng khai thác kinh tế du lịch vẫn còn đang là phương án... trên giấy.

Loay hoay phương án khai thác du lịch ở Hải Vân Quan

Di tích Hải Vân Quan sau khi trùng tu. Ảnh: An Thượng

Đặc biệt cả về di tích lẫn cảnh quan

Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), ngay trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc địa phận giáp ranh 2 địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng.

Di tích này vốn là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân. Các công trình gồm cụm bố phòng quân sự, hệ thống thành lũy, nhà kho, pháo đài thần công… Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.

Một nhánh của dãy Trường Sơn đột ngột rẽ ra biển, tạo thành đèo Hải Vân. Con đường thiên lý Bắc - Nam uốn lượn, vắt vẻo qua đây với những khúc cua đầy ngoạn mục vừa hiểm nguy, vừa hấp dẫn du khách đường bộ.

Từ lâu, nơi đây đã được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cảnh trí không chỉ hùng vĩ bởi nơi mây trời, sương núi và biển gặp nhau, Hải Vân còn nên thơ vì khí hậu mát mẻ như những khoảnh khắc giao mùa. Với độ cao chót vót 1.496m so mực nước biển, đỉnh đèo này là nơi phóng tầm mắt khoáng đãng nhất, bao quát về TP Đà Nẵng (phía Nam) và trị trấn biển Lăng Cô, TT-Huế (phía Bắc). Nhiều thời điểm, mây trời như sương khói, tuôn chảy thành dòng từ Huế, đổ qua đỉnh đèo, tựa thác nước, đẹp, lạ.

Điều đặc biệt hấp dẫn du khách là cụm di tích - Hải Vân quan. Ngoài nhóm cổng thành sơn phòng, được xây dựng từ thời Minh Mạng, gắn chữ “đệ nhất hùng quan” mà Lê Thánh Tông đã ban đặt cho nơi này, tại đỉnh đèo Hải Vân còn có cả chục lô cốt. Các lô cốt được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ, có nhiều hình dạng, quay về các hướng khác nhau để canh phòng, kiểm soát tuyến đường huyết mạch nối liền đất nước.

Chiến tranh, thời gian đi qua khá lâu, nhưng các lô cốt này vẫn còn sừng sững những chứng tích sống. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần cho sự phát triển du lịch của 2 địa phương Huế và Đà Nẵng.

Hợp tác trùng tu và khai thác chung

Cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng khởi động dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau 2 năm trùng tu, phục dựng, đến nay công trình được đưa vào khai thác du lịch kể từ 1.8.2024.

Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng - cho biết: Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương. Trong thời gian đầu, Di tích Hải Vân Quan sẽ miễn phí tham quan đối với người dân, du khách cho đến khi thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp.

Tuy vậy, bài toán nào cho việc khai thác kinh tế - du lịch cho 1 di sản chung của 2 địa phương thì đến nay vẫn còn là phương án trên giấy. Cũng GĐ Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng Phạm Tấn Xử cho biết, hiện ngành Văn hóa Đà Nẵng đang lập phương án. Định hướng là sẽ khai thác chung. Giá vé sẽ do Hội đồng nhân dân 2 địa phương quyết.

“Trước mắt, ngành Văn hóa Đà Nẵng sẽ hoàn thành phương án khai thác kinh tế du lịch, đề xuất UBND TP trình HĐND để xin giá bán vé - Đây cũng sẽ là mức giá mà UBND TT-Huế sẽ trình HĐND tỉnh TT-Huế để tương đồng với Đà Nẵng - Dự kiến chia khung thời gian để quản lý, vận hành khai thác. Mỗi địa phương 3 năm, bắt đầu từ 2026.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu được từ khai thác sẽ chia đôi. Tất nhiên, phần lớn kinh phí thu được từ bán vé, dịch vụ du lịch sẽ dùng cho việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo chính di tích này. Nếu không có sự thống nhất, hai địa phương sẽ có đề nghị Bộ VHTTDL và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” - ông Xử nói.

Ngoài ra, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cảnh quan, bãi giữ xe, các cửa hàng buôn bán quà lưu niệm, dịch vụ khác... sẽ do các địa phương quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), huyện Phú Lộc, TT-Huế phụ trách. Tất nhiên phải đúng quy hoạch, phải có dự án, thiết kế, kiến trúc, xây dựng... được thẩm định, phê duyệt đúng pháp luật. Theo ông Phạm Tấn Xử, di tích Hải Vân Quan chắc chắn sẽ được vận hành và phát huy giá trị như mong muốn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan