A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch Quảng Ninh gấp rút khắc phục hậu quả thiên tai, sẵn sàng đón khách trở lại

Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú tại Quảng Ninh, Hải Phòng tốn hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng để khắc phục thiệt hại nặng nề sau bão số 3 Yagi. Thậm chí, nhiều cơ sở chưa thể xác định thời gian mở cửa đón khách trở lại.

Du lịch Quảng Ninh gấp rút khắc phục hậu quả thiên tai, sẵn sàng đón khách trở lại

Khu vực ngoài khách sạn Bảo Minh Radiant Hạ Long trở thành đống đổ nát tiêu điều sau bão. Ảnh: Tấn Điều

Ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi

Bão số 3 Yagi đổ bộ miền Bắc để lại thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho các địa phương. Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… phải chịu tổn thất lớn về cơ sở vật chất, khách hủy đặt phòng vì thiên tai.

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Hoa - chủ khách sạn Sand Hotel (Cát Bà, Hải Phòng) cho biết: “Bão Yagi khiến khách sạn bị thiệt hại nặng nề, bao gồm toàn bộ cửa kính khu vực bể bơi, cửa kính các tầng, hệ thống năng lượng mặt trời… ước tính gây tổn thất khoảng 200 triệu đồng. Không chỉ vậy, cảnh quan xung quanh khách sạn cũng bị tàn phá. Chúng tôi phải tạm ngừng hoạt động, không thể nhận đón khách trong thời gian khắc phục hậu quả”.

Ông Bùi Tấn Điều - Giám đốc Điều hành khách sạn Bảo Minh Radiant Hạ Long (Quảng Ninh) - thông tin, khách sạn đã thiệt hại cơ sở vật chất ước tính lên đến gần 10 tỉ đồng do bão.

“Cơn bão đã tàn phá toàn bộ khu vực nhà thép, cơ sở vật chất ở tầng 12 của khách sạn. Toàn bộ cửa kính khu vực sảnh, nhà hàng trong khách sạn, biển quảng cáo, hệ thống đèn led đều vỡ nát và hỏng hóc, cây cối bật gốc, khung cảnh xung quanh khách sạn ngổn ngang, tiêu điều…”, ông Điều nói.

Chưa kể, ảnh hưởng từ bão khiến nhiều du khách quyết định hoãn/hủy đặt phòng, các cơ sở lưu trú mất đi nguồn thu. Đồng thời, các khách sạn, khu nghỉ khác trong khu vực chịu ảnh hưởng còn phải bố trí an toàn cho những du khách bị mắc kẹt hoặc có nhu cầu ở lại tránh bão.

Ông Bùi Tấn Điều cho biết: “Từ khi bão đổ bộ, khách sạn chưa từng ngừng hoạt động. Chúng tôi đón lượng khách kín 120 phòng từ ngày 6-12.9, chủ yếu là khách Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Trong thời gian ảnh hưởng từ bão, khách sạn đã bố trí hỗ trợ khách ăn uống, trang bị máy phát điện để vận hành hệ thống điều hòa, ánh sáng, thang máy… đảm bảo nhu cầu tối thiểu của khách”.

Theo ông Điều, riêng chi phí chạy máy phát điện từ ngày 7 - 14.9 tại khách sạn đã tiêu tốn gần 100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hoa thông tin, đoàn khách nước ngoài mắc kẹt ở khách sạn khi bão đổ bộ cũng được đảm bảo an toàn, hỗ trợ ăn uống, dịch vụ đầy đủ. Vì mất sóng, khách được ưu tiên thanh toán tiền phòng sau khi về lại đất liền.

Khắc phục hậu quả sau bão

Sau bão Yagi, các cơ sở lưu trú gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào công việc xử lý, khắc phục hậu quả. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, khách sạn đã liên hệ với đơn vị đến khảo sát thiệt hại và lập kế hoạch khắc phục. Tuy nhiên, việc thi công tốn lượng lớn kinh phí, đồng thời chỉ thực hiện được khi có điện trở lại. Bà Hoa cho biết, sẽ mở cửa để khách sạn hoạt động trở lại sau khi dọn dẹp và nguồn điện ổn định. Tuy nhiên, một số khu vực chưa thể sử dụng, cần sửa chữa dần.

Trong khi đó, khách sạn Bảo Minh Radiant Hạ Long phải tập trung nhân lực vừa phục vụ khách lưu trú, vừa khắc phục hậu quả do bão. Chỉ sau 3 ngày, khách sạn đã thay mới phần lớn cửa kính, khôi phục khu sảnh chính, dọn dẹp và chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

“Sau bão, một số đối tác ở Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã đến khách sạn để khảo sát tình hình thực tế, kiểm tra cơ sở vật chất. Các đối tác đều xác nhận khách sạn đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện để đón khách và cam kết sẽ bố trí đưa các đoàn khách về khách sạn”, ông Điều nói.

Ngoài ra, khách sạn cũng được nhiều doanh nghiệp lữ hành, đối tác trong nước và quốc tế, các chuyên gia nước ngoài ở khu công nghiệp của Quảng Ninh lựa chọn tiếp tục tin tưởng đặt phòng, lưu trú.

Dù vậy, theo ông Bùi Tấn Điều, thời điểm hiện tại là lúc các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch cần sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Nhà nước. Ông Điều khẳng định: “Không chỉ chúng tôi, sau bão, hầu hết các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi, mua sắm ở Quảng Ninh đều bị thiệt hại nặng nề. Rất mong được chính quyền địa phương, đặc biệt là TP Hạ Long quan tâm, có chính sách hỗ trợ để khắc phục hậu quả, phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh. Từ đó, thúc đẩy hoạt động kinh tế của tỉnh phát triển ổn định sau bão”.

Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, 11/12 huyện, thị xã, thành phố có khu điểm được công nhận đã sẵn sàng đón khách trở lại sau bão số 3, tính đến ngày 13.9. Các khu du lịch Móng Cái, Yên Tử, Đông Triều đã kịp dọn dẹp, củng cố và sẵn sàng đón khách. Một số điểm du lịch trọng điểm tại thành phố Hạ Long như Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch và Hội chợ Triển lãm tỉnh, khu vui chơi giải trí Sun World, Khu du lịch Tuần Châu... bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất, đang sửa chữa để sớm đón khách.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan