A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đau mắt đỏ ở trẻ không lây qua "nhìn nhau"

Hiện nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Bệnh đau mắt đỏ tuy xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng do lây lan nhanh nên số người mắc bệnh tăng cao, nhất là trẻ mầm non và tiểu học.

Trẻ đi học dễ lây cho nhau bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc thường xảy ra ở những nơi có điều kiện sống thấp, ẩm ướt. Cơ thể con người không sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh viêm kết mạc, vì thế mỗi người có thể bị viêm kết mạc nhiều lần.

Ở trẻ em, đau mắt đỏ chủ yếu do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh gây đau, sưng, ngứa, đỏ mắt, chảy nước mắt, mắt nhiều gỉ, có thể giảm thị lực...

Bất cứ ai cũng có thể mắc đau mắt đỏ do bệnh dễ lây lan, đặc biệt là vào mùa hè, có thể bùng phát thành ổ dịch lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trẻ em dễ mắc đau mắt đỏ hơn do trẻ rất hay có thói quen dụi mắt (khi tiếp xúc với đồ vật không đảm bảo vệ sinh, sau đó đưa tay dụi mắt).

Đau mắt đỏ ở trẻ gia tăng cha mẹ cần phải biết 5 điều sau để nhanh khỏi và phòng bệnh

Học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học dễ bị lây lan đau mắt đỏ

Nếu trẻ tiếp xúc hay chơi chung với trẻ bị đau mắt đỏ khác thì khả năng lây nhiễm sẽ rất cao. Vì thế cha mẹ phải thường xuyên để ý trẻ, thường xuyên vệ sinh tay chân sạch sẽ cho trẻ.

Ngoài ra bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua: Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; Chạm vào những đồ vật của người bệnh như tay nằm cửa, bàn ghế; Sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, gối, chậu rửa mặt; Dùng chung nguồn nước nhiễm bệnh; Tiếp xúc chung nguồn nước với người bị bệnh như ở hồ bơi.

Những nơi đông người như bệnh viện, nơi công cộng, trường học là môi trường rất dễ khiến bệnh lây lan.

Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga, Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: "Rất nhiều người lầm tưởng rằng nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ bị lây bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhãn khoa đã khẳng định không có chuyện đó.

Việc nhìn vào mắt nhau không thể lây bệnh vì nguyên nhân gây bệnh là do virus, vi khuẩn gây ra, có thể lây qua nhiều đường nhưng nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua đường hô hấp.

Khi người bệnh ho hay nói chuyện, mũi miệng sẽ bắn ra những hạt nước có mang virus và lây sang cho người không mắc bệnh. Do vậy đeo kính không loại trừ hết nguy cơ lây đau mắt đỏ mà chỉ giảm thiểu khả năng lây, bệnh nhân nên chủ động đeo thêm khẩu trang khi có các bệnh lý hô hấp để tránh lây lan cho mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, người bị đau mắt đỏ có thể lây cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng (lây bệnh trong thời kỳ ủ bệnh). Thậm chí người đã khỏi đau mắt đỏ vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần".

Tuyệt đối không tự điều trị bằng các "mẹo" dân gian

Biểu hiện rõ nhất của bệnh đau mắt đỏ là mắt đổ ghèn và lòng trắng mắt dần chuyển sang màu đỏ. Bé sẽ có cảm giác cộm xốn, khó chịu vì thế hay quấy khóc, khi ngủ dậy ghèn thường dính chặt vào 2 mi mắt. Ghèn có thể màu vàng hoặc màu xanh lá cây.

Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (lớp màng trắng trong suốt nằm dưới mi) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị bệnh trẻ cũng thường có những biểu hiện như sốt nhẹ, ho khan, có hạch…

Đau mắt đỏ ở trẻ gia tăng cha mẹ cần phải biết 5 điều sau để nhanh khỏi và phòng bệnh

Cha mẹ không tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ

Ở trẻ em đau mắt đỏ chủ yếu do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra.

Khi trẻ có triệu chứng bất thường ở mắt, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay để kịp thời điều trị, tránh biến chứng; Tuyệt đối cha mẹ không được tự điều trị theo cách truyền miệng, hoặc theo trên mạng như: Xông các loại lá trầu không, lá dâu tằm; Đắp hành củ; Nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ…

Cha mẹ không tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ vì có thể sẽ làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Việc điều trị không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề, đáng tiếc như: Mắt trẻ sẽ bị giảm thị lực, viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa....

Trẻ bị đau mắt đỏ thường quấy khóc, vì thế cần có những biện pháp chăm sóc mắt giúp trẻ dễ chịu hơn.

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) cho trẻ khoảng 6-7 lần một ngày. Ngoài ra khi trẻ bị bệnh, cha mẹ hay người thân trong nhà cũng cần nhỏ mỗi ngày 4-5 lần để phòng ngừa đau mắt đỏ lây lan.

Để tránh lây lan và bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi cha mẹ cần vệ sinh nơi ở đảm bảo sạch sẽ như: Giặt sạch và phơi khô mọi vật dụng của bé như chăn ga gối, khăn mặt; Nếu bé đang đi học, cần xin cho bé nghỉ học để tránh trường hợp bệnh lây thành dịch; Ngoài ra nên hạn chế cho bé ra đường để tránh khói bụi vào mắt.

Phụ huynh nên dùng bông gòn và nước muối sinh lý rửa mắt hàng ngày cho bé bằng cách cho bé nằm nghiêng, dùng nước muối rửa ghèn trong mắt, sau đó lấy bông lau sạch; Không để ghèn bám nhiều lên mắt sẽ gây khó chịu, cộm ngứa cho bé; Chú ý nên lấy ghèn lúc ướt, tránh để ghèn khô mới lấy sẽ gây khó chịu và đau rát cho trẻ; Không cho con tiếp xúc với các loại màn hình điện tử, đọc sách báo để giúp mắt bé nghỉ ngơi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan