A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Y tế hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn vết mổ

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 1526/QĐ-BYT ngày 24/3/2023 về việc ban hành hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn vết mổ.

Theo Bộ Y tế, an toàn phẫu thuật hiện đang là thách thức tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tại những nước thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình do hạn chế về nguồn lực.

Mặc dù đã có những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị phẫu thuật hiện đại, xu hướng phẫu thuật ít xâm lấn ngày càng phổ biến, tuy nhiên, nhiễm khuẩn vết mổ vẫn là một trong những biến chứng ngoại khoa thường gặp, làm nặng thêm tình trạng bệnh, kéo dài ngày nằm điều trị ở người bệnh phẫu thuật.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh họa

Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ tại những nước thu nhập thấp và trung bình cao hơn 2 - 3 lần so với những nước phát triển. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ , tuy nhiên việc tuân thủ những biện pháp này vẫn còn hạn chế.

Tại Việt Nam, trong số khoảng 2 triệu người bệnh phẫu thuật hàng năm, 5 -10% người bệnh mắc nhiễm khuẩn vết mổ, trong đó hơn 90% là nhiễm khuẩn vết mổ nông và nhiễm khuẩn vết mổ sâu.

Việc giám sát nhiễm khuẩn vết mổ nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu cho các chiến lược phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ, cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị, bảo vệ người bệnh phẫu thuật và giảm chi phí điều trị, giảm sử dụng kháng sinh.

Tại Việt Nam, việc giám sát nhiễm khuẩn vết mổ mới được triển khai tại một số bệnh viện riêng lẻ; Hiện chưa có hướng dẫn quốc gia để chuẩn hóa phương pháp giám sát nhiễm khuẩn vết mổ. Do đó, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn này giúp các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện giám sát nhiễm khuẩn vết mổ nhằm đánh giá đúng thực trạng nhiễm khuẩn vết mổ, đề xuất các vấn đề cần tập trung can thiệp, tiến tới giảm nhiễm khuẩn vết mổ ở người bệnh phẫu thuật.

Theo đó, hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn vết mổ nhằm chuẩn hóa phương pháp, nội dung giám sát nhiễm khuẩn vết mổ ở một số loại phẫu thuật được lựa chọn. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh có thực hiện phẫu thuật trên phạm vi toàn quốc.

Qua giám sát nhiễm khuẩn vết mổ tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ xác định đúng tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn vết mổ, các yếu tố nguy cơ, tác nhân gây bệnh và mức độ đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây nhiễm khuẩn vết mổ; Cung cấp thông tin cho việc xây dựng các kế hoạch, chương trình phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ của cơ sở và quốc gia; Theo dõi hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ theo thời gian.

Hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn vết mổ bao gồm các hướng dẫn chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ; Các yếu tố nguy cơ của nhiễm khuẩn vết mổ; Phương pháp giám sát nhiễm khuẩn vết mổ; Xác định đối tượng giám sát; Thu thập dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Nhận đinh kết quả giám sát; Thông báo kết quả giám sát; Các bước triển khai giám sát.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn cụ thể về công tác tổ chức thực hiện, bao gồm: Thủ trưởng cơ sở khám chữa bệnh triển khai hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn vết mổ phù hợp với điều kiện của đơn vị mình; Bảo đảm các điều kiện thiết yếu cho giám sát nhiễm khuẩn vết mổ; Tổ chức huấn luyện đào tạo về tiêu chuẩn chẩn đoán và phương pháp giám sát, phát hiện ca bệnh nhiễm khuẩn vết mổ; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn.

Đối với khoa, bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn tham mưu cho thủ trưởng cơ sở khám chữa bệnh về việc triển khai hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn vết mổ; Tổ chức đào tạo nhân viên y tế phương pháp giám sát, các tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ, phương pháp nhập và phân tích dữ liệu giám sát.

Các đơn vị này lập kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn vết mổ trình Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn và Ban giám đốc phê duyệt; Chủ trì và phối hợp với các khoa phòng liên quan triển khai kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn vết mổ; Báo cáo số liệu nhiễm khuẩn vết mổ cho thủ trưởng đơn vị, khoa lâm sàng và hệ thống y tế quốc gia.

Đối với Phòng Kế hoạch tổng hợp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn vết mổ của các đơn vị liên quan. Đối với Phòng Quản lý chất lượng phối hợp cùng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn theo dõi xu hướng nhiễm khuẩn vết mổ để có can thiệp kịp thời nhằm làm giảm nhiễm khuẩn vết mổ.

Các khoa phòng và nhân viên y tế có người bệnh được giám sát nhiễm khuẩn vết mổ phổ biến cho nhân viên y tế danh mục các bệnh lý có phẫu thuật được lựa chọn để giám sát, kế hoạch giám sát và các tiêu chí thuộc định nghĩa ca bệnh.

Các đơn vị thực hiện theo dõi người bệnh thuộc danh mục phẫu thuật được giám sát qua các hoạt động thăm khám và chăm sóc hàng ngày nhằm phát hiện kịp thời, chính xác các ca bệnh nhiễm khuẩn vết mổ, ghi chép đầy đủ vào hồ sơ bệnh án và phiếu giám sát các thông tin liên quan tới giám sát nhiễm khuẩn vết mổ và chủ động báo cho nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn khi người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm khuẩn vết mổ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan