A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Y tế giải trình về thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vắc-xin của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023.

Cần chỉ đạo quyết liệt trong đấu thầu

Tham gia góp ý tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước ngày 31/5,ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế có câu trả lời thật rõ ràng, chính thức rằng đến chừng nào có thể đảm bảo vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia?

Đối thoại - Bộ trưởng Y tế giải trình về thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, cần có chỉ đạo quyết liệt trong việc tiến hành đấu thầu hoặc đàm phán giá, hay các giải pháp để có thể chủ động chứ không nên đùn đẩy trách nhiệm về địa phương chỉ vì lý do Bộ Tài chính chuyển nguồn…

Theo đại biểu, trách nhiệm cũng như hậu quả của việc này sẽ hết sức nặng nề nếu như vắc-xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chậm trễ. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có một câu trả lời rành rọt, dứt khoát về vấn đề này.

Tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề các ĐBQH nêu liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau đại dịch, lĩnh vực y tế đã bộc lộ những khó khăn, tồn tại cần được tháo gỡ, giải quyết.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, ngành y tế với quyết tâm cao nhất đã, đang và sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại của ngành. Những nội dung các đại biểu quan tâm cũng là những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước quan tâm sâu sắc.

Về việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, Bộ trưởng cho biết, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước.

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí để thực hiện mua sắm tập trung vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc kháng lao, thuốc kháng HIV, Vitamin A…

Trong đó, với các vắc-xin sản xuất trong nước gồm 9 loại, các vắc-xin này chỉ có 1 nhà sản xuất trong nước, đây là các đơn vị thuộc Bộ Y tế, nên Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng với tất cả các loại vắc-xin sản xuất trong nước theo đúng quy định.

Đối với các vắc-xin nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, hoặc thực hiện đấu thầu tập trung với các loại vắc-xin đủ điều kiện có 3 đăng ký trở lên.

Đối thoại - Bộ trưởng Y tế giải trình về thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng (Hình 2).

Các đại biểu tham dự phiên họp chiều 31/5.

Giai đoạn 2021-2022, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương sang giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã có Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương, theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách Trung ương, thực hiện mua sắm để cung ứng vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cho 2 năm 2021, 2022.

Năm 2022, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai một số nội dung của chương trình ở nhiều địa phương. Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai tiêm thường xuyên trong các tháng cuối năm, và rà soát các đối tượng tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm bù cho đối tượng trẻ em và phụ nữ trên toàn quốc.

Thực hiện nội dung của năm 2023 với mong muốn được tiếp tục thực hiện việc mua vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV ARV và vitamin A để phục vụ cho các địa phương như các năm trước, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, Bộ Y tế đã có đề nghị Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.

Trong đó, đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chuyển từ chương trình mục tiêu y tế, dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, thuốc ARV và vitamin A cho trẻ em.

"Tuy nhiên, các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu y tế, dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương nên theo quy định của Luật Đầu tư công, phân cấp ngân sách Nhà nước Bộ Y tế không được phân kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ này", người đứng đầu ngành y tế nói.

Đảm bảo cung ứng cho các địa phương

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vắc-xin gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay, đối với các vắc-xin sản xuất trong nước, chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vắc-xin của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023.

Riêng vắc-xin viêm gan B, vắc-xin phòng lao sử dụng đến tháng 8/2023, các vắc-xin viêm não Nhật Bản, vắc-xin sởi, rubela, bOPV dùng đến quý III và quý IV/2023, vắc-xin uốn ván và bại liệt tiêm thực hiện ở các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023.

Đối thoại - Bộ trưởng Y tế giải trình về thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng (Hình 3).

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn tiếp tục triển khai tiêm các vắc-xin sẵn có tại các điểm tiêm chủng của xã, phường. Đối với các thuốc lao, ARV, Vitamin A liều cao, Bộ Y tế tích cực làm việc với các nhà tài trợ và sử dụng nguồn thuốc sẵn có để đảm bảo cung ứng cho các địa phương.

Bộ trưởng thông tin, Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6).

"Đối với vắc-xin nhập khẩu 5 trong 1, đây là vắc-xin nhập khẩu do năm 2022 tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định, tuy nhiên không có nhà thầu tham gia nên có thiếu trên thị trường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Để đảm bảo vắc-xin năm 2023, Bộ trưởng cho biết thêm Bộ Y tế đã làm việc, lắng nghe và trao đổi với các địa phương và đã trình Chính phủ tờ trình và dự thảo Nghị quyết về nội dung này. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp cùng với Bộ Tài chính để bố trí kinh phí, ngân sách Trung ương năm 2023 để Bộ Y tế triển khai mua sắm theo quy định như những năm trước đây.

Và để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã tổng hợp đủ nhu cầu của 63 tỉnh liên quan đến đề nghị mua vắc-xin trong cả nước. Đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vắc-xin sẵn sàng các công việc theo quy định như rà soát khả năng cung cấp, năng lực sản xuất cũng như xác định giá theo quy định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật