A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bị cắt phổi vì thói quen hút thuốc nhiều năm

Ba người người đàn ông có tiền sử hút thuốc lào, thuốc lá hàng chục năm được chẩn đoán mắc ung thư phổi, thủng phổi và phải cắt phổi để điều trị.

Bệnh nhân phục hồi tích cực sau phẫu thuật nội soi điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh.

Giữa tháng 10/2023, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận bệnh nhân nam (64 tuổi, Long Biên) có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào trên 40 năm.

3 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện ho khạc đờm trắng lẫn màu nâu, có cảm giác sốt, không đau ngực, không khó thở, sau tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Bệnh nhân đi khám phát hiện u phổi trái và được nhập viện điều trị tại khoa Ung bướu.

Sau khi làm các xét nghiệm, chụp cắt lớp, sinh thiết..., bác sĩ phát hiện tế bào lạ nghi ngờ ác tính. Kết quả nội soi khí phế quản thấy khối u xâm lấn làm tắc hoàn toàn phế quản gốc bên trái. Kết quả chụp cắt lớp vi tính phổi, X-quang phổi cho thấy, khối u chiếm gần hết nhu mô phổi bên trái.

Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái kèm nạo vét hạch. Sau mổ ngày thứ 5, bệnh nhân tự ngồi dậy, tự thở không cần oxy hỗ trợ...

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: "Mổ cắt cả phổi điều trị ung thư là một phẫu thuật lớn, nặng nề cả về mặt ngoại khoa và gây mê hồi sức. Đây cũng là ca cắt cả phổi đầu tiên được tiến hành tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang".

Một trường hợp khác là ông H (57 tuổi) có thói quen hút thuốc lá suốt 30 năm qua. Gần đây ông H hút mỗi ngày một bao, thường có cảm giác mệt, khó thở, tức ngực bên phải nhưng chỉ nghĩ là cảm lạnh thông thường. Khi triệu chứng nặng hơn, không thể ngủ ông mới đến viện kiểm tra. Tại một bệnh viện tư ở TP HCM, kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bên phải lượng nhiều.

Dù được điều trị nhưng sau 3 ngày, khí ở phổi của bệnh nhân H vẫn xì ra liên tục, lượng nhiều kèm theo một phần phổi còn xẹp không nở hết. Vì vậy, bác sĩ phẫu thuật nội soi lồng ngực để xử trí tràn khí màng phổi.

Trong khi mổ, bác sĩ phát hiện một lỗ thủng đường kính khoảng 2 mm ở thùy trên phổi phải, xì rò liên tục. Lỗ thủng rất nhỏ nên khó phát hiện trên phim chụp CT phổi. Ê-kíp phẫu thuật sau đó đã vá lỗ thủng bằng dụng cụ nội soi chuyên dụng cho bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng từng tiếp nhận bệnh nhân một bệnh nhân 63 tuổi đến khám do ho khan từng cơn kèm đau tức ngực. Tại một bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u ở phổi nên lập tức chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân cho biết đã hút thuốc lào gần 30 năm, không có bệnh lý kèm theo. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, nhu mô thuỳ dưới phổi trái của người bệnh có khối u đường kính hơn 4cm.

Sau khi sinh thiết đánh giá, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư thuỳ dưới phổi trái, xâm lấn thuỳ trên phổi trái. Sau đó bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u kết hợp hoá xạ trị để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Bỏ thuốc lá vì sức khỏe và hạnh phúc gia đình

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và từng hút thuốc, và hơn 600.000 người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.

Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm – tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc, tỷ lệ nữ giới hút thuốc thấp hơn, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành.

Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá như: Trường học, cơ sở y tế, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, thư viện, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng; không sử dụng thuốc lá trong các lễ hội, đám cưới, đám tang; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, gia đình mình và những người xung quanh, đồng thời tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhằm loại bỏ thói quen hút thuốc trong nhân dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật