Quyền lực của Nga và Iran
Tổng thống Iran Pezeshkian sẽ thăm Moscow vào ngày 17/1, hội đàm với Tổng thống Putin và ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga-Iran.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10 năm 2024. |
Foad Izadi, phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Mỹ của Đại học Tehran, phát biểu với RIA rằng việc ký kết hiệp ước hợp tác sắp tới giữa Nga và Iran nêu bật thực tế rằng hai quốc gia này có nhiều điểm chung, bao gồm cả kẻ thù.
Tại sao Nga và Iran cần hợp tác với nhau?
"Nga và Iran là hàng xóm. Họ chia sẻ Biển Caspi và đã có mối quan hệ trong nhiều thế kỷ. Vì vậy, tất nhiên, một lợi ích lớn với cả hai là có mối quan hệ tốt với hàng xóm", Izadi nói.
Ông nhận xét rằng thái độ thù địch của Mỹ và một số quốc gia châu Âu đối với Nga và Iran cũng đòi hỏi "nhiều sự hợp tác hơn giữa hai nước láng giềng" và nói thêm rằng "để đảm bảo rằng chúng ta sống trong một thế giới tốt đẹp hơn, các quốc gia có cùng lợi ích và mục tiêu nên hợp tác với nhau".
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Nga Yuri Lyamin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ lập luận rằng hiệp ước hợp tác trước đây giữa Nga và Iran, được ký kết vào năm 2001, không còn đủ để duy trì quan hệ đối tác giữa hai nước.
Ông cũng khuyên không nên suy đoán về các chi tiết chính xác của hiệp ước trước khi nó thực sự được ký kết, mặc dù ông lưu ý rằng hợp tác an ninh giữa Nga và Iran sẽ có "vị trí đặc biệt" trong thỏa thuận mới.
Hợp tác kinh tế
Ông Izadi giải thích rằng sự hợp tác giúp Moscow và Tehran chống lại áp lực từ các đối thủ như Mỹ và đối phó với các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, do đó việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa Nga và Iran là điều không thể tránh khỏi.
"Ví dụ, Nga từng mua rất nhiều hàng hóa từ châu Âu trước cuộc xung đột ở Ukraine, và một số hàng hóa đó có sẵn ở Iran. Vì vậy, các công ty Iran sẽ rất vui vẻ chuyển đích đến của nhiều sản phẩm tới Nga thay vì những khách hàng không thân thiện", chuyên gia Izadi gợi ý.
Quan hệ đối tác quốc phòng
Hợp tác quốc phòng và an ninh, "vốn là một phần không thể thiếu trong quan hệ Iran-Nga trong nhiều thập kỷ qua", cũng có thể phát triển mạnh mẽ dưới sự bảo trợ của hiệp ước mới.
"Có những khả năng mà Iran có trong những lĩnh vực này mà Nga sẽ sử dụng và muốn sử dụng. Và có những khả năng về phía Nga mà Iran quan tâm. Vì vậy, giống như bất kỳ loại hình thương mại nào khác, sẽ có 'cho và nhận'", Izadi nhận xét.
Sau khi lưu ý đến mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố mà cả Nga và Iran đều phải đối mặt, Izadi nói rằng một số nhóm khủng bố này được một số "nước phương Tây" hỗ trợ và họ nên nhận ra rằng "có một mặt trận thống nhất giữa các nước trong khu vực này để đảm bảo rằng chủ nghĩa khủng bố không tồn tại".
Hợp tác không gian
Học giả Izadi chỉ ra triển vọng hợp tác sâu sắc hơn giữa Nga và Iran trong lĩnh vực không gian, một lĩnh vực mà Nga sở hữu "công nghệ tiên tiến hơn Iran".
Chuyên gia quân sự Lyamin đưa ra đánh giá tương tự, lưu ý rằng Iran sẽ quan tâm đến "kinh nghiệm to lớn" của Nga trong lĩnh vực đó, cũng như sự hỗ trợ của Moscow trong việc phóng vệ tinh của Iran vào quỹ đạo.