A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh thêm trầm trọng do tự ý điều chỉnh liều thuốc

Do sự chủ quan, bất cẩn, không ít người dân tự ý mua thuốc về uống, hay tự ý bỏ giữa chừng đều là nguyên nhân gây hậu quả khôn lường sức khỏe.

Lãnh hậu quả sau 3 tháng tự ý chỉnh liều thuốc

Theo thông tin của Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân 63 tuổi đi kiểm tra sức khoẻ do xuất hiện tiểu sậm màu, mệt mỏi và chán ăn nên trong 1 tuần.

Trong lần kiểm tra này, bệnh nhân bất ngờ phải nhập viện điều trị để tránh bệnh tiến triển nặng, có nguy cơ đe dọa tính mạng, do đợt bùng phát viêm gan B mạn.

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân có nhiều chỉ số tăng cao đột biến

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân có nhiều chỉ số tăng cao đột biến

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết phát hiện mắc bệnh viêm gan B mạn từ năm 2009. Ròng rã từ khi phát hiện đến tháng 3 năm nay, bệnh nhân luôn tuân thủ uống thuốc UCVR TDF theo đơn của bác sĩ.

Lần kiểm tra gần nhất vào tháng 3/2024 vừa qua cho kết quả men gan ổn định, tải lượng virus dưới ngưỡng ghi nhận. Tuy nhiên, trong 3 tháng tiếp theo, bệnh nhân chủ quan nghĩ rằng tìm trạng viêm gan B đã được kiểm soát nên tự ý dùng thuốc “cách nhật” cách ngày uống 1 viên.

Khoảng 1 tuần nay, ông thấy mình không muốn ăn, kèm mệt mỏi, nước tiểu sậm màu tăng dần, lượng nước tiểu ít. Trước dấu hiệu “chẳng lành”, gia đình khuyên ông đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra sức khỏe.

BSCKI Nguyễn Thị Ngoại, Chuyên khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: Sau khai thác tiền sử đã mắc viêm gan B mạn, yếu tố nguy cơ dùng thuốc cách ngày cộng với lý do đến khám do tiểu sậm màu, chán ăn, thăm khám cơ quan bộ phận chưa phát hiện bất thường nên có chẩn đoán sơ bộ là theo dõi đợt bùng phát viêm gan B mạn.

Đồng thời, bệnh nhân được tư vấn chỉ định làm xét nghiệm huyết học, hóa sinh, vi sinh, siêu âm ổ bụng để có chẩn đoán xác định.

Đúng như tiên lượng của bác sĩ, chỉ số xét nghiệm men gan (AST, ALT) tăng 34 lần, Albumin: giảm, AFP: tăng, đặc biệt xét nghiệm HBV DNA - xét nghiệm xác định số lượng hay nồng độ của virus trong máu của người bệnh nhiễm virus viêm gan B cho kết quả 10^7 IU/ml. Siêu âm ổ bụng có hình ảnh gan thô nhẹ.

Từ kết quả này, bệnh nhân được chẩn đoán đợt bùng phát viêm gan B mạn nên được tư vấn nhập viện điều trị nội trú nhằm tránh bệnh tiến triển nặng.

Tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, chuyên gia Truyền nhiễm (Hệ thống Y tế Medlatec ), nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam với hơn 40 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Viêm gan B mạn cần thời gian dài điều trị, hiện chưa có biện pháp chữa trị khỏi bệnh, các thuốc ức chế virus được chỉ định nhằm ức chế sự nhân lên của vius, hạn chế tổn thương gan tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.

Do phải kéo dài thời gian quản lý, thăm khám và điều trị nên trong thực tế khám chữa bệnh, tôi đã gặp những trường hợp mệt mỏi vì mất thời gian, tốn kém chi phí nên đã tự ý ngừng thuốc”.

Bệnh thêm trầm trọng do tự ý điều chỉnh liều thuốc

Người dân nên đi thăm khám sức khoẻ định kỳ

Đồng thời, chuyên gia cho biết, có trường hợp chỉ tăng men gan, nhưng dẫn đến suy gan và phải lọc máu. Nguyên nhân do không điều trị, hoặc tự ý bỏ thuốc. Đây là tình trạng khá phổ biến hiện nay, để lại gánh nặng cho ngành y tế và chính sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Chia sẻ lộ trình quản lý sức khỏe của bệnh nhân trên trong thời gian tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Thái Sơn, Chuyên gia Vi sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm Medlatec cho biết: "Do bệnh nhân B., không tuân thủ phác đồ điều trị đã dẫn đến hậu quả xấu là đợt bùng phát virus, vì thế, ngoài cần nhập viện điều trị cấp cứu, bệnh nhân cần tuân thủ đơn điều trị của bác sĩ.

Sau 1 tháng điều trị, nếu tình trạng không cải thiện, người bệnh cần làm xét nghiệm HBV Genotype, đột biến kháng thuốc đánh giá nguy cơ kháng thuốc viêm gan B để đổi phác đồ điều trị. Vì những bệnh nhân tự ý bỏ thuốc thường có nguy cơ kháng thuốc rất cao”.

Chuyên gia khuyến cáo người dân nên tuân thủ lịch khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Hoặc đi khám ngay nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc viêm gan B như mệt mỏi, buồn nôn, ăn không ngon, đau cơ, sốt, da vàng, mắt vàng, nước tiểu sẫm màu...

Viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây nên. Viêm gan B cấp tính, mạn tính nếu không được quản lý và điều trị nghiêm ngặt sẽ có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư, thậm chí là tử vong.

Hiện chưa có thuốc chữa khỏi bệnh viêm gan mạn nên để hạn chế tổn thương gan, người bệnh cần “bỏ túi” những nguyên tắc sau: Không được tự ý ngừng thuốc điều trị kháng virus, hoặc chỉ ngừng điều trị khi có chỉ định của bác sĩ; định kỳ kiểm tra để đánh giá khả năng tái hoạt HBV sau khi ngừng thuốc.

Ngoài ra, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý; không uống bia rượu; không ăn quá cay, quá mặn, quá béo; lựa chọn thịt nạc, ít mỡ; tăng cường rau xanh, hoa quả; ngũ cốc nguyên hạt (lúa mạch, gạo lứt, mì nguyên cám).

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan