A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh nhân mòn mỏi chờ mổ vì bệnh viện thiếu vật tư y tế

Tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương.

Bệnh nhân mòn mỏi chờ mổ vì bệnh viện thiếu vật tư y tế

Nhiều bệnh nhân mòn mỏi chờ mổ vì bệnh viện thiếu vật tư y tế

Chật vật vì thiếu trang thiết bị, lịch mổ kéo dài

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại Hà Nội, hiện đang đối mặt với tình trạng không đủ trang thiết bị y tế, dẫn đến nhiều ca bệnh phải chờ đợi trong lo lắng và bất an.

Ngồi thẫn thờ trên ghế đá trước phòng mổ để ngóng tin mẹ, anh Nguyễn Tiến Dũng (Hải Dương) cho biết: “Tôi đưa mẹ vào viện từ hôm thứ 5. Thứ 6 không được mổ, thứ 7 và chủ nhật không có lịch, họ hứa thứ 2, thứ 3 nhưng 2 ngày này cũng không được mổ vì hết vật tư thay khớp háng, đi Bệnh viện 108 xin thiết bị cũng không có. Đến thứ 4, gia đình tôi nhận được tin là có vật tư nhập về kho và sang tới thứ 5 thì mới nhận được thông báo chuẩn bị dẫn người nhà đi mổ”.

Một người phẫu thuật, cả nhà lo lắng. Suốt cả ngày, anh Dũng và bố đều túc trực bên ngoài phòng mổ. Những khuôn mặt căng thẳng, ánh mắt tràn đầy sự lo âu không thể giấu được.

a

Anh Dũng cho biết, vì thiếu vật tư y tế nên mẹ anh phải chờ 7 ngày mới được thay khớp háng.

Nhắc đến việc bệnh viện thiếu thiết bị vật tư y tế, anh Dũng cho biết, trước ngày có lịch mổ, anh được bác sĩ của bệnh viện nói đi mua đồ dùng để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Vật tư y tế cần mua là mũ giấy, tấm lót Youli nursing pad, dẫn lưu áp lực âm 1 bộ, 10 đôi găng tay vô khuẩn… Đặc biệt, anh còn được "lưu ý" tới đúng nhà thuốc 68 số 71 Phủ Doãn (đối diện cổng bệnh viện) để mua.

"Chỉ cần cầm giấy tới quán là người bán hàng đã đoán được mình cần mua gì”, anh Dũng cho biết.

Nhiều người nhà bệnh nhân chia sẻ rằng, họ thường xuyên phải gọi điện lên bệnh viện để hỏi lịch mổ. Chỉ khi bệnh nhân đau quá không chịu được, bệnh viện mới thông báo sẽ sắp xếp lịch. Với những trường hợp chưa thật sự nghiêm trọng, người bệnh phải đợi "chán chê" mới được mổ.

Không chỉ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế cũng diễn ra tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Cuộc sống của những bệnh nhân ung thư từ các tỉnh lên Hà Nội điều trị là một hành trình đầy gian truân với gánh nặng về tài chính và tâm lý. Những khoản tiền không tên như tiền nhà trọ, tiền ăn uống, tiền xạ trị và nay lại phải gánh thêm cả những chi phí khác, khiến cuộc sống của họ càng thêm khó khăn và bấp bênh.

Chị Hoàng Thị An (Nghệ An), mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 3, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, bệnh nhân này cũng được xếp lịch mổ như bao người khác.

Đáng nói, dù có bảo hiểm y tế, chị An vẫn không được hưởng quyền lợi vì bệnh viện thông báo một số vật tư y tế đã hết. Mong muốn được mổ sớm, chị buộc phải ra hiệu thuốc bên ngoài để mua vật tư theo sự chỉ định của bác sĩ. “Cái gì cũng phải mua, mất cả triệu ấy, từ cái băng, chun. Dao mổ thì họ trừ trong tiền đặt cọc”, chị An cho biết.

a

Bệnh nhân Hoàng Thị An (Nghệ An) phải tự mua vật tư y tế để phục vụ cho ca mổ. Ảnh: PV

Trò chuyện với một bệnh nhân nam bị ung thư vòm họng quê ở Nghệ An, người đàn ông này cho biết, ông rất bức xúc khi phải mua vật tư y tế trong quá trình điều trị tại bệnh viện. “Một cái kim truyền cũng phải mua, bông băng, nước rửa, rồi cái kéo, cái banh, họ cũng bắt mình mua”, bệnh nhân chia sẻ.

Bệnh nhân chờ mổ là điều không ai mong muốn

Trước vấn đề này, PV đã liên hệ tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong buổi làm việc, TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, việc bệnh nhân chờ mổ là điều không ai mong muốn và ông cũng khẳng định, đây là việc không thể tránh khỏi.

Bác sĩ Hùng cho rằng, sắp xếp lịch mổ là một vấn đề rất nhạy cảm. Đây không phải giống như đi mua rau, mua gạo, không phải xếp hàng đứng trước là đến lượt. Trong y khoa không thể tránh những trường hợp cấp cứu mà đây chính là những trường hợp ưu tiên, cần được mổ ngay, mổ gấp.

"Khi những trường hợp này được ưu tiên mổ trước thì những bệnh nhân khác bắt buộc phải chờ", vị giám đốc bệnh viện thông tin.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hùng cũng cho hay, mổ không chỉ liên quan tới bác sĩ mổ mà còn liên quan tới khoa gây mê hồi sức, giường hồi sức cho bệnh nhân.

"Chúng tôi là bác sĩ và ai cũng muốn mổ cho bệnh nhân nhưng điều kiện để chúng tôi tiến hành mổ có giới hạn trong khi nhu cầu mổ của bệnh nhân là vô hạn".

Còn về việc thiếu trang thiết bị, lãnh đạo bệnh viện này cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã đầu tư mua 400 tỉ đồng tiền vật tư và 150 tỉ đồng tiền thuốc để phục vụ nhu cầu của người bệnh. Tuy nhiên, dù có nhiều vật tư, bệnh viện vẫn phải ưu tiên chất lượng lên hàng đầu, không thể mổ nhiều để lấy số lượng.

"Hấp dụng cụ, rửa máy nội soi... tất cả đều phải tuân theo quy trình, đảm bảo an toàn để tránh trường hợp lây từ người này sang người khác. Vì vậy, nếu muốn nhanh, chúng tôi cũng không thể làm nhanh hơn được", Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin.

Đối với phản ánh của bệnh nhân về việc bác sĩ chỉ định ra hiệu thuốc để mua vật tư, bác sĩ Hùng cũng khẳng định “Không có tình trạng bệnh viện móc nối với nhà thuốc để ăn hoa hồng. Nếu bệnh nhân mua thuốc linh tinh thì đội ngũ bác sĩ không thể quản lý, xác minh được chất lượng. Vì vậy, việc chỉ định bệnh nhân ra mua thuốc, vật tư ở địa chỉ cụ thể chỉ là muốn bệnh nhân được sử dụng những cái tốt nhất”.

Bác sĩ Hùng cũng thông tin thêm, hiện nay, có nhiều loại thuốc bệnh viện không trúng thầu, hoặc không đấu thầu được do số lượng dùng ít. Vì vậy, khi bệnh nhân cần dùng, bác sĩ buộc phải kê đơn cho bệnh nhân mua ở các hiệu thuốc bên ngoài.

Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.000-5.000 người tới khám, và có gần 300 ca mổ mỗi ngày.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan