Bệnh cúm có thể ảnh hưởng đến người mắc bệnh tim
Tiến sĩ Vivek Mahajan cho biết, với người mắc bệnh tim, cúm có thể làm tình trạng sức khỏe xấu đi nhanh chóng và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh cúm có thể ảnh hưởng đến người mắc bệnh tim. Đồ hoạ: Thiện Nhân
Cúm ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tim mạch?
Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và mặc dù chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, nhưng tác động của nó lại có thể rất nghiêm trọng đối với tim. Khi mắc cúm, cơ thể sẽ trải qua những triệu chứng nghiêm trọng như ho, sốt cao, đau nhức cơ thể và mệt mỏi. Cúm có thể làm giảm nồng độ oxy trong máu, gây căng thẳng cho tim, dẫn đến tình trạng suy tim nặng hơn hoặc thậm chí đột quỵ trong những trường hợp nghiêm trọng.
Theo Tiến sĩ Vivek Mahajan, Bác sĩ Tim mạch tại Bệnh viện Fortis Kalyan (Ấn Độ), mặc dù virus cúm hiếm khi trực tiếp tấn công cơ tim gây viêm cơ tim, nhưng ở những bệnh nhân suy tim, cúm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Đặc biệt, cúm có thể gây ra sự tích tụ dịch trong phổi, làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể và gây căng thẳng cho tim, làm tình trạng suy tim trở nên nặng hơn.
Ngoài ra, người mắc bệnh tim có nguy cơ gặp phải các biến chứng tim mạch cấp tính cao hơn khi mắc cúm. Viêm nhiễm do cúm có thể làm mất ổn định các mảng bám trong động mạch, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và nguy cơ hình thành cục máu đông, làm tăng khả năng xảy ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, đặc biệt ở những người lớn tuổi.
Biến chứng cúm ở người mắc bệnh tim
Tiến sĩ Vivek Mahajan cho biết, đối với những người bị bệnh tim như suy tim sung huyết, bệnh động mạch vành hoặc tăng huyết áp, cúm có thể làm các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và thậm chí khiến bệnh nhân phải nhập viện. Các triệu chứng như sốt và mất nước có thể làm tăng gánh nặng cho tim, trong khi các vấn đề về hô hấp có thể làm giảm lượng oxy trong cơ thể, khiến tim phải làm việc vất vả hơn.
Cách bảo vệ bản thân khỏi cúm
Tiến sĩ Mahajan khuyến nghị rằng những người mắc bệnh tim nên tiêm vaccine cúm, vì đây là biện pháp hiệu quả nhất để giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng khi mắc cúm.
Một nghiên cứu lớn được công bố trên Tạp chí Tim mạch Ấn Độ cho thấy tiêm vaccine cúm trong vòng 72 giờ sau khi mắc bệnh có thể giảm nguy cơ tử vong, đau tim hoặc tắc nghẽn stent tới 28% và giảm 42% nguy cơ tử vong liên quan đến tim.