A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cầu thủ Việt Nam khó chơi bóng ở J.League

Với một bộ quy chuẩn khắt khe của J.League, các tuyển thủ Việt Nam chưa tìm được công thức thành công.

Cầu thủ Việt Nam khó chơi bóng ở J.League

Công Phượng từng không thành công tại Nhật Bản trước khi trở về khoác áo Câu lạc bộ Bình Phước tại giải hạng Nhất Quốc gia. Ảnh: VPF

Sự thật về J.League

Hơn 1 thập kỷ qua, lần lượt Công Vinh, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Lâm, Văn Luân, Ngọc Long... chơi bóng ở 3 hạng đấu cao nhất tại Nhật Bản. Tuấn Hải hay Hoàng Đức - những cầu thủ giỏi chưa xuất ngoại cũng đặt mục tiêu đến J.League để thách thức bản thân.

Là nền bóng đá thu hút nhiều cầu thủ Việt Nam, song Nhật Bản không phải mảnh đất màu mỡ cho cầu thủ Việt Nam. Bằng chứng là ngoại trừ Công Vinh, không một cầu thủ Việt Nam nào ghi dấu ấn tại xứ sở hoa anh đào. Công Phượng tới Mito Hollyhock vào năm 2016 và Tuấn Anh đầu quân cho Yokohama FC cùng thời điểm. Song, chỉ sau 1 mùa giải, họ lặng lẽ rời đi khi không được câu lạc bộ chủ quản trao cơ hội thi đấu.

Cuối năm 2022, Công Phượng trở lại Nhật Bản ký hợp đồng tới 3 năm với Yokohama FC. Nhưng sau 2 mùa giải (2022-2023 và 2023-2024), anh đã trở về hạng Nhất của Việt Nam để được thi đấu nhiều hơn. Tất cả những gì Công Phượng có được ở Yokohama FC chỉ là vài trận đơn lẻ tại Cúp Hoàng đế và không ra sân phút nào tại giải quốc gia.

Vấn đề đầu tiên với cầu thủ Việt Nam nằm ở quan điểm nhầm lẫn về bóng đá Nhật Bản. Theo tìm hiểu từ các chuyên gia, J.League 1 và 2 yêu cầu rất cao về thể lực. Không hề có chuyện cầu thủ giỏi kỹ thuật nhưng yếu về sức bền có thể tỏa sáng tại hai hạng đấu cao nhất của bóng đá nước này.

Họ phải nỗ lực thích nghi, chịu khó di chuyển không bóng, liên tục chạy với cường độ cao trong các trận đấu. Dĩ nhiên, cầu thủ chơi bóng tại V.League - một giải đấu chỉ có thời gian bóng lăn chừng 50-60 phút sẽ rất khó để lập tức thích ứng được ngay với tiêu chuẩn J.League.

Quy chuẩn khắt khe

Ngoài vấn đề về thể lực, Tuấn Anh và Công Phượng có thêm lý do để không thành công ở Nhật Bản. Họ không đa năng và thiếu kỹ năng cần thiết để tạo nên sự toàn diện cho vị trí mà mình đảm nhận ở Yokohama FC hay Mito Hollyhock.

Khác với Công Vinh chơi tiền đạo cắm với nhiệm vụ tập trung hoàn toàn vào khâu săn bàn ở Consadole Sapporo, vai trò của Công Phượng và Tuấn Anh lần lượt là tiền đạo lùi và tiền vệ trung tâm. Đáng nói, đây là hai vị trí mà các câu lạc bộ ở J.League 1 và 2 yêu cầu rất cao về sự đa dạng trong bộ kỹ năng.

Được biết, người Nhật có riêng một bộ quy chuẩn với những “gạch đầu dòng” cho từng vị trí, đặc biệt là tiền vệ trung tâm và hộ công. Dù chỉ là tiền vệ phòng ngự nhưng cầu thủ phải đáp nhiều kỹ năng khác như chuyền bóng, phân phối, sút xa...

Một cầu thủ nước ngoài đến J.League nếu không bắt nhịp được với bộ quy chuẩn này, cộng thêm thiếu sự nhạy bén để thích ứng với chiến thuật của huấn luyện viên thì cơ hội đá chính rất thấp. Điều này cũng diễn ra thường xuyên trong các buổi tập. Đương nhiên, khi không hiểu ý đồ từ thuyền trưởng, Tuấn Anh và Công Phượng khó có tên trong danh sách đăng ký chứ chưa nói đến việc vào sân thi đấu.

Thất bại của Công Phượng, Tuấn Anh không chỉ mang tính đơn lẻ, cá nhân. Bởi từ đó đến nay, không một cầu thủ Việt Nam nào tạo được sức hút hay có được thành công ở J.League 1 và 2. Mới nhất, Phạm Tuấn Hải đánh tiếng muốn sang J.League chơi bóng. Song, ngay cả khi Hà Nội FC sẵn sàng tạo điều kiện để anh thỏa nguyện vọng thì các đội bóng Nhật Bản lại chưa mặn mà với phong độ và năng lực hiện tại của Hải “bé”.

Nhìn từ V.League và đối chiếu với đặc thù của J.League, cầu thủ Việt Nam nên lựa chọn một điểm đến thực tế hơn. Nếu chưa thể chinh phục J.League 1 và 2, các cầu thủ nên nghĩ đến J.League 3. Giải đấu vẫn áp dụng kiểu chơi bóng dài và có những nét tương đồng với bóng đá Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhiều cầu thủ vô danh của Indonesia hay Thái Lan cũng khởi đầu từ J.League 2 hoặc 3. Sau khoảng thời gian làm quen với bóng đá tại Nhật Bản, họ có thể từng bước tiến lên hạng đấu cao hơn.

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến Nguyễn Văn Sơn và Bùi Ngọc Long thi đấu tại J.League 3. Đây cũng là môi trường khá phù hợp cho những cầu thủ trẻ khác như Long Vũ (Sông Lam Nghệ An), Việt Anh (PVF), Công Phương (Thể Công Viettel)... thể hiện mình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật