A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 vụ gian lận thi cử chấn động thế giới

Ngay cả những trường đại học hàng đầu thế giới như Yale, Stanford hay Harvard, tình trạng gian lận trong thi cử vẫn diễn ra.

Ngày nay (và cả ngày trước nữa), gian lận trong thi cử diễn ra dưới rất nhiều hình thức. Hành vi gian lận có thể xuất phát từ ý định của học viên, nhưng đôi khi, nó diễn ra dưới sự “bảo trợ” của chính những bậc phụ huynh và người làm việc trong ngành giáo dục.

Phụ huynh Ấn Độ trèo tường để nhắc bài cho con

Dân số Ấn Độ rất lớn, nhưng lượng tuyển sinh của các trường đại học lại có phần hạn chế, vì thế các học sinh ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt hơn để có một suất tại các trường danh giá.

Theo báo cáo từ trang National Public Radio vào năm 2012, trường Đại học Thương mại Shri Ram, Ấn Độ chỉ nhận 400 hồ sơ trong số 28000 ứng viên, nghĩa là tỉ lệ chấp nhận học viên còn thấp hơn cả Harvard.

Năm 2015, hơn 1,4 triệu học sinh tại 1200 trường trung học ở bang Bihar bắt đầu bước vào các kỳ thi tốt nghiệp quan trọng. Sau kỳ thi, 1000 người bị bắt vì hành vi “tuồn” tài liệu cho học sinh, trong số đó gồm bạn bè, phụ huynh và cả giáo viên của thí sinh.

Điều gây chấn động là, tại một trường trung học ở bang này, rất nhiều phụ huynh bất chấp rủi ro, trèo tường vào khu vực thi để gửi “phao thi” tận tay cho con. Hơn 1.600 học sinh đã bị đuổi học hoặc đánh trượt sau khi hình ảnh trên bị phát tán.

Trung tâm luyện thi ở Hàn Quốc mua đề

9 năm trước, Hàn Quốc xảy ra một vụ bê bối gian lận liên quan đến việc tiết lộ đề thi. Ngày 1/5/2013, kỳ thi chuẩn hóa SAT ở Hàn Quốc bị hủy bỏ vì cơ quan chấm điểm phát hiện một trung tâm luyện thi ở Hàn Quốc biết trước đề và tiết lộ cho các học viên của mình. Trước đó, Hàn Quốc cũng từng một lần hủy bỏ điểm thi SAT vào năm 2007, nhưng việc ngừng thi chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ, còn kỳ thi năm 2013 là bị hủy bỏ trên toàn quốc.

Một số nhân viên tại các trung tâm đã thừa nhận hành vi gian lận, họ cho biết đã mua lại các bài thi với giá khoảng 4500 đô. Nhu cầu “mua đề” một phần xuất phát từ các bậc phụ huynh. Họ muốn con mình đạt điểm cao bằng bất cứ giá nào.

5 vụ gian lận thi cử chấn động thế giới - Ảnh 1.

Cuộc thi SAT bị hủy bỏ trên toàn quốc.

Gian lận bằng công nghệ cao ở Trung Quốc

Trung Quốc có lẽ là một trong những nước châu Á “chịu khó” đầu tư công nghệ cao để hỗ trợ gian lận thi cử bậc nhất. Trong kỳ thi đại học Gaokao (Cao Khảo) năm 2019, một trong những kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới, cảnh sát Trung Quốc đã ngăn chặn một đường dây gian lận quy mô lớn. Họ tịch thu được hơn 2000 bộ thiết bị không dây và ngăn chặn khoảng 100 vụ gian lận.

Các thiết bị công nghệ hỗ trợ được thiết kế rất tinh vi. Đó có thể là những màn hình siêu nhỏ được gắn trên tẩy, khăn quàng, hay thiết bị thu phát sóng được giấu trong giày. Bạn thậm chí còn bắt gặp những chiếc kính công nghệ cao hay bút gắn camera, giống y những thiết bị tối tân trong các bộ phim về điệp viên.

5 vụ gian lận thi cử chấn động thế giới - Ảnh 2.

Màn hình được giấu trong khăn.

5 vụ gian lận thi cử chấn động thế giới - Ảnh 3.

Đồng hồ có khả năng chiếu dữ liệu.

5 vụ gian lận thi cử chấn động thế giới - Ảnh 4.

Thiết bị thu phát sóng nằm gọn ở phần đế giày.

Sinh viên Harvard cùng nhau làm bài cuối khóa

Năm 2012, 125 sinh viên tại một lớp học trường Harvard, Mỹ bị nghi ngờ vì gian lận trong bài thi cuối kỳ. Lớp này có ít nhất 250 sinh viên, nghĩa là đến một nửa lớp có dấu hiệu gian lận. Trường Harvard không công bố thông tin tên khóa học hay lớp học đang điều tra với mục đích bảo mật thông tin cá nhân.

Theo quy định, học sinh được dùng tài liệu và tìm kiếm thông tin trên Internet, nhưng tất cả các sinh viên phải tự làm bài, không được thảo luận với người khác. Tuy nhiên, khi nhận kết quả, nhà trường phát hiện nhiều điểm giống nhau bất thường giữa các bài thi. Họ bắt đầu tiến hành điều tra và nói chuyện trực tiếp với các sinh viên. Nếu thực sự có gian lận, các học viên này sẽ bị đình chỉ học ít nhất một năm.

Hội nhà giàu Mỹ “chạy điểm” cho con vào đại học hàng đầu

Đường dây chạy vào trường đại học Mỹ vào năm 2019 được các công tố viên đánh giá là một trong những bê bối ngành giáo dục lớn nhất mà họ từng triệt phá. Gần 50 người bị buộc tội, trong đó có 33 phụ huynh. Họ đều là những người giàu có, thậm chí nữ diễn viên Felicity Huffman cũng xuất hiện trong danh sách này.

5 vụ gian lận thi cử chấn động thế giới - Ảnh 5.

Nữ diễn viên Felicity Huffman (phim Những Bà Nội Trợ Tuyệt Vọng) cũng liên quan đến vụ bê bối này.

Theo chuyên gia, đường dây hoạt động theo ba hình thức: gian lận điểm trong kỳ thi chuẩn hóa; hối lộ huấn luyện viên thể thao (làm giả thành tích thể thao của học sinh); và cuối cùng là che đậy tiền hối lộ dưới mác từ thiện.

Sinh viên chạy điểm sẽ được nhận vào những ngôi trường danh giá nhất nước Mỹ như Yale, Georgetown, Stanford và Nam California. Công tố viên Mỹ cho biết, các phụ huynh sẵn sàng chi trả từ 200.000 đô tới 6,5 triệu đô bất hợp pháp để đảm bảo con cái được nhập học.

Nguồn: Tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật