Loay hoay với hàng chục hecta rừng ngập mặn chết rụi
Hà Tĩnh - Khoảng 25ha rừng ngập mặn ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) chết rụi 3 năm nay nhưng hiện vẫn chưa được trồng rừng thay thế.
Hàng chục ha rừng ngập mặn ở xã Kỳ Hà chết rụi đã 3 năm nay. Ảnh: Trần Tuấn.
Những ngày nắng nóng cuối tháng 4 này, có mặt tại tuyến đê Hải - Hà - Thư, nhìn hàng chục ha rừng ngập mặn ở xã Kỳ Hà chết rụi, cảm giác như càng nóng bức thêm.
Một số người dân địa phương đang đi cào ốc ở ven cửa biển xã Kỳ Hà cho biết, khu vực rừng cây ngập mặn này bị chết khô hàng loạt từ khoảng năm 2022 nhưng chưa thấy triển khai trồng rừng mới.
Sự việc khiến nguồn lợi thủy sản giảm hẳn, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân. Thêm nữa, rừng ngập mặn chết rụi mất đi tác dụng phòng hộ khiến mùa mưa bão, sóng đánh mạnh, nguy cơ làm hư hỏng tuyến đê xung yếu Hải - Hà - Thư.
Xót xa khi rừng ngập mặn chết rụi. Ảnh: Trần Tuấn.
Ông Nguyễn Tiến Thắng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà - cho biết, việc hàng chục ha rừng ngập mặn ở Kỳ Hà bị chết rụi, địa phương đã có đề xuất các cấp xem xét đầu tư trồng mới rừng thay thế.
Mục đích, để vừa đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, phát triển nguồn lợi thủy sản vừa bảo vệ tuyến đê biển xung yếu Hải - Hà - Thư.
Ông Đào Đức Giang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh - cho biết, qua kiểm đếm, từ năm 2022, khu vực ven cửa biển xã Kỳ Hà có hơn 25ha rừng ngập mặn đã chết, trong đó chủ yếu là loại cây mắm biển.
Theo ông Đào Đức Giang, về nguyên nhân khiến rừng cây ngập mặn ở ven cửa biển xã Kỳ Hà bị chết, bước đầu đơn vị đang nhận định có khả năng là do ảnh hưởng thổ nhưỡng, khí hậu. Bởi, khu vực này nước biển dâng ngập thời gian dài, độ mặn cao, vượt quá ngưỡng...
Tuy nhiên, để kết luận nguyên nhân chính xác là gì cần phải có các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lâm nghiệp, rừng ngập mặn tiến hành khảo sát thực tế, nghiên cứu, đánh giá, thí nghiệm, chứng minh bằng cơ sở khoa học.
Cũng theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh, thời gian qua, đơn vị cũng đã phối hợp triển khai dự án trồng cây ngập mặn là cây trang tại vùng ven cửa biển xã Kỳ Hà và phường Kỳ Ninh.
Vị trí trồng gần khu rừng cây mắm đã chết trước đó nhưng đều không thành công. Cây trang trồng lên bị chết nhiều nên dự án đang bỏ ngỏ.
Điều băn khoăn, theo ông Giang, cùng thời điểm và cùng dự án triển khai trồng thử nghiệm cây ngập mặn tại khu vực cầu Cửa Sót (tỉnh Hà Tĩnh) thì cây vẫn sống đều, phát triển tốt.
Cần sớm trồng mới rừng ngập mặn để đảm bảo sinh thái, chắn sóng và tạo ra môi trường sống cho thủy sản phát triển. Ảnh: Trần Tuấn.
Bởi vậy, đơn vị và địa phương đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền mời các chuyên gia có năng lực chuyên môn tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân khiến cây rừng ngập mặn chết hàng loạt ở xã Kỳ Hà.
Sau đó, thực hiện dự án trồng mới cây rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho hiệu quả sinh trưởng, phát triển tốt để vừa đảm bảo được hệ sinh thái vừa là nơi phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương.