Đắk Lắk: Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các khu chăn nuôi tập trung
Nhiều trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa đảm bảo đúng quy định về xử lý nước thải chăn nuôi, có hầm biogas nhưng không xử lý triệt để dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.
Một số trang trại heo nằm trong khu chăn nuôi tập trung, hệ thống xử nước thải chưa đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật |
Đắk Lắk là địa phương phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Bên cạnh phát triển các loại cây nông nghiệp chủ lực thì những năm gần đây ngành nghề chăn nuôi cũng đang được chú trọng và đẩy mạnh, trong đó chăn nuôi gia súc chiếm số lượng lớn.
Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 6293 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, 78 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 688 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 5.527 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Bên cạnh những hiệu quả kinh tế mang lại thì vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa đảm bảo, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Tại xã Hòa Thuận (thành phố Buôn Ma Thuột) hiện có 104 trang trại chăn nuôi, trong đó có 29 trang trại chăn nuôi heo, hầu hết là trang trại chăn nuôi hộ gia đình liên kết với doanh nghiệp theo hình thức gia công, có quy mô từ 600 đến 2.000 con. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chất thải của nhiều trang trại chưa đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Theo ghi nhận, nhiều trang trại chăn nuôi heo tại khu chăn nuôi tập trung chỉ xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo hình thức đối phó. Nước thải chăn nuôi sau khi xử lý qua biogas thì được đưa ra các hố, bể chứa lộ thiên không lót bạt chống thấm để phơi khô hoặc sử dụng bón cho cây trồng; Không tiến hành các bước tiếp theo để xử lý vi khuẩn, vi trùng trước khi đưa ra nguồn tiếp nhận.
Ông Bùi Tá Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết, trên địa bàn xã hiện có 10 trang trại chăn nuôi heo, quy mô từ 700 đến trên 1.000 con. Hằng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường có xuống kiểm tra, UBND xã cũng đã đề nghị kiểm tra cam kết giữa các trang trại có hợp đồng liên kết gia công với các công ty chăn nuôi và chuyển hồ sơ về Phòng Kinh tế - Hạ tầng để xem xét, đánh giá nếu đủ điều kiện thì mới công nhận.
Cũng theo ông Danh: “Nhiều trang trại vẫn chưa đảm bảo về xử lý nước thải, có làm hầm biogas nhưng chưa xử lý triệt đề về vấn đề môi trường nên mùa mưa bốc mùi hôi thối”.
Bà Đỗ Thị Mùi (ở xã Ea Tul) là hộ chăn nuôi liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk cho biết, trang trại của gia đình bà hiện đang nuôi 700 con heo thịt. Nước thải chăn nuôi sau khi xử lý qua biogas được mang đi tưới cho cây trồng, do không đủ chi phí để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải nên không còn cách nào khác.
Trang trại heo tại xã Ea Tul nằm trong khu quy hoạch chăn nuôi tập trung |
Khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra
Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ trang trại nuôi heo nằm trên địa bàn xã Ea Tul chia sẻ: Trang trại của ông xây từ năm 2015 và được UBND thành phố Buôn Ma Thuột cấp Giấy phép chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, hằng năm đều có cam kết bảo vệ môi trường.
“Cơ quan chức năng cũng có xuống kiểm tra và nhắc nhở chúng tôi thực hiện đúng quy trình xử lý nước thải. Do khó khăn nên chúng tôi xin tạo điều kiện chứ chưa có kinh phí để làm”, ông Dũng nói.
Còn tại xã Ea Nuol, huyện Buôn Đôn hiện có 38 trang trại chăn nuôi, trong đó có 18 trang trại chăn nuôi heo hoạt động từ năm 2013 đến nay. Trao đổi với phóng viên, bà H’Cuên H’wing, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Nuol, cho biết, hằng năm UBND xã phối hợp với đoàn liên ngành đi kiểm tra, qua đó phát hiện một vài cơ sở chăn nuôi vi phạm và tiến hành xử phạt theo quy định. Bên cạnh đó, trên địa bàn vẫn còn nhiều trang trại chưa chấp hành đúng quy định về xử lý nước thải; Một số trang trại dù đã bị xử phạt vẫn không khắc phục vi phạm.
“Chúng tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, giám sát. Vì khi đoàn đi kiểm tra đột xuất không thể vào trang trại do quy định về phòng chống dịch bệnh. Nhiều trang trại tính phối hợp chưa cao, đôi lúc chúng tôi phải đợi ngoài cổng rất lâu mới được vào kiểm tra; Có khi đoàn phải quay về vì không ai mở cửa cho vào”, bà H’Cuên H’wing nói.
Đáng chú ý, trại heo của ông Trần Văn Phú tại xã Ea Nuôl có quy mô 3.000 con, có vị trí biệt lập nhưng chưa phù hợp theo Điều 5, Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định khoảng cách an toàn chăn nuôi trong trang trại. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng chưa đúng quy định theo Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT, chưa phù hợp với quy mô trang trại dẫn đến quá tải gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Những sai phạm này mặc dù đã được Đoàn thanh tra của Chi Cục chăn nuôi và Thú y kết hợp với Phòng Chăn nuôi của UBND huyện Buôn Đôn và UBND xã Ea Nuôl tiến hành kiểm tra, lập biên bản. Tuy nhiên, chủ trang trại chỉ được yêu cầu “thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”.
Trang trại tại xã Ea Nuôl vi phạm về khoảng cách an toàn chăn nuôi và xả thải gây ô nhiễm môi trường |
Tương tự, trại heo của ông Huỳnh Thanh Phụng tại buôn Kô Đung (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) có quy mô 3.600 con, cũng đang liên kết gia công với Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk. Mặc dù đã được UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trong đó yêu cầu đáp ứng mọi điều kiện về bảo vệ môi trường về thu gom và xử lý nước thải chăn nuôi nhưng thực tế trang trại này có hệ thống xử lý nước thải rất sơ sài.
Ngoài hầm biogas, trang trại không xây lắp hệ thống hệ thống các hồ lắng, hồ sinh học theo quy chuẩn mà chỉ đào vài hố đất lộ thiên để "lắng" nước thải. Các hố đất này cũng không được lót bạt chông thấm khiến một lượng nước thải lớn ngấm xuống đất, mùa mưa dễ tràn ra bên ngoài.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục chăn nuôi và Thú y cho rằng, Chi cục chỉ quản lý về góc độ chăn nuôi, việc kiểm tra và xử lý vi phạm về lĩnh vực môi trường thuộc về Sở TNMT và các Phòng TNMT sẽ phù hợp hơn. Về việc cấp giấy phép chăn nuôi nếu là dự án quy mô lớn thì sẽ thuộc thẩm quyền UBND tỉnh; Nếu trang trại có quy mô vừa và nhỏ của hộ gia đình thì thuộc thẩm quyền UBND huyện, thị và UBND xã.
Quá trình cấp phép, Chi cục không tham gia thẩm định hệ thống xử lý nước thải nên không nắm được vấn đề này. Đối với các trang trại quy mô lớn từ 10.000 con trở lên, hệ thống xử nước thải rất hiện đại và đúng quy chuẩnl; Những trang trại có quy mô 1.000 - 2.000 con, do chi phí lắp đặt lớn nên quá trình thực hiện nhiều nơi làm chưa triệt để.
Theo quy định, nước thải chăn nuôi phát sinh từ chuồng trại chăn nuôi (khoảng 46m3/ngày đêm) thu gom cùng với chất thải chăn nuôi (khoảng 7,56 tấn/ngày) được đi qua mương dẫn đến bể thu gom, từ bể thu gom tiến hành bơm, ép tách phân (bằng máy tách phân). Nước thải sau khi đã tách phân được xử lý qua nhiều bể khác nhau rồi mới đưa ra hồ lắng, hồ sinh học, bãi lọc ngập nước, hồ sinh học kết hợp thực vật thả nổi, bể khử trùng rồi mới đưa ra nguồn tiếp nhận. |