Công nhân môi trường có quyền từ chối thu gom nếu rác chưa được phân loại
Từ ngày 3.2, công nhân môi trường có quyền từ chối thu gom rác thải nếu người dân chưa phân loại theo quy định.
Quy định mới về thu gom rác thải chưa phân loại
Theo Thông tư 35/2024/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 3.2, quy định về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nhân môi trường có thể từ chối thu gom chất thải nếu không phân loại hoặc không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương.
Trong đó, tại mục 2, Điều 5 của Thông tư nêu rõ, đơn vị thu gom có trách nhiệm di chuyển phương tiện từ điểm tập kết đến vị trí thu gom, đồng thời hướng dẫn người dân bỏ chất thải vào đúng vị trí trên phương tiện thu gom. Trong trường hợp công nhân môi trường phát hiện chất thải chưa phân loại hoặc không đúng quy cách, họ có quyền từ chối tiếp nhận.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu đảm bảo việc tiếp nhận, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo đúng chủng loại và lịch trình phân công, không vận chuyển vượt quá tải trọng hoặc thể tích của phương tiện.
Lo ngại về tình trạng đổ trộm rác
Dù đa số người dân ủng hộ việc phân loại rác tại nguồn, nhưng không ít ý kiến lo ngại rằng nếu công nhân môi trường từ chối thu gom rác, tình trạng đổ trộm rác sẽ gia tăng, gây khó khăn cho việc thu gom và xử lý chất thải.
Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco 4) chia sẻ: “Sau dịp Tết Nguyên đán, lượng rác tăng đột biến, chất đống trên vỉa hè gần điểm tập kết, nhưng đa số hộ dân vẫn chưa phân loại”.
Chị Thủy cho biết, rác thải từ các hộ gia đình thường bị đổ chung với nhau, từ vỏ lon, chai lọ đến thực phẩm hay cành cây, khiến công nhân không thể từ chối thu gom, dù vi phạm quy định.
Một số công nhân môi trường khác cũng chia sẻ rằng, tại nhiều hộ gia đình hoặc nhà hàng kinh doanh ẩm thực, việc phân loại rác chưa được thực hiện đúng cách. Tất cả các loại rác thường được dồn chung vào một chỗ và công nhân vệ sinh là người phải giải quyết. Nếu công nhân từ chối thu gom, tình trạng đổ trộm rác có thể xảy ra, gây thêm khó khăn cho công tác thu gom và xử lý.
Người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của phân loại rác
PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định rằng, mặc dù các địa phương đã đưa ra quy định phân loại rác thải, nhưng người dân vẫn không thực hiện đúng. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của việc không phân loại rác thải.
Việc từ chối thu gom rác thải chưa phân loại là một quy định quan trọng, vì nếu không phân loại đúng ngay từ nguồn, sẽ khó áp dụng các phương pháp xử lý rác tiên tiến, đồng thời ảnh hưởng đến việc tận dụng rác như một nguồn tài nguyên cho nền kinh tế tuần hoàn.
PGS.TS Vũ Thanh Ca cũng nhấn mạnh, đối với các hộ gia đình cố tình không phân loại rác, cần có biện pháp giám sát và xử phạt. “Nếu hộ nào không phân loại rác đúng cách, đơn vị thu gom có thể trả lại rác và xử phạt vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, có thể công khai vi phạm đến tổ dân phố để tạo áp lực, buộc người dân thực hiện phân loại rác”, ông Ca nói.
Liên quan đến vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 yêu cầu UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31.12.2024. Còn theo Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã nêu rõ “xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”.