A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Xanh hóa" các ngành kinh tế gắn với công nghệ, bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu

Trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, Việt Nam xác định không tăng trưởng nhanh bằng mọi giá mà tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

"Xanh hóa" nền kinh tế Việt Nam

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu khí hậu ở Việt Nam đã liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển, tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng của siêu bão, lũ và áp thấp nhiệt đới... Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đây được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự thay đổi môi trường, hệ sinh thái trái đất và là nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050.

Cùng với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đã ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Do đó, phát triển kinh tế xanh hay xanh hóa các ngành kinh tế là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; Kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Năng lượng tái tạo (điện mặt trời) đang được tận dụng thay thế các nguồn năng lượng truyền thống (than) để vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế tác động môi trường

Trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường.

Trong đó, tháng 10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, đặt ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Phát triển kinh tế gắn với công nghệ và bảo vệ môi trường

Để hướng tới một nền kinh tế xanh thì phải xanh hóa các ngành kinh tế và phải bắt đầu từ những lĩnh vực trọng yếu có tác động đến môi trường nhiều nhất. Trong đó, mảng năng lượng tái tạo là yếu tố trụ cột tạo nền móng cho cho tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, Việt Nam xác định không tăng trưởng kinh tế nhanh bằng mọi giá mà tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Năng lượng vừa là ngành kết cấu hạ tầng vừa là ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đứng trong số các nước hàng đầu có tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Sử dụng nặng lượng sạch, năng lượng tái tạo là sử dụng các nguồn tài nguyên bản địa để cung cấp năng lượng hiệu quả cho nền kinh tế và giảm năng lượng nhập khẩu và giảm mức tiêu thụ năng lượng hoá thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Những cánh đồng điện gió giúp Việt Nam tận dụng tối đa nguồn năng lượng gió để phát triển kinh tế xanh

Trong các chủ đề tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng xanh được đặt lên hàng đầu, theo đó chuyển dần khai thác sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng có khả năng tái tạo, giải pháp sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, ứng dụng và phát huy công nghệ sản xuất mới dựa trên sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch.

Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có nhiều thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng sạch từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải…

Trên thực tế, Bộ Công thương đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá, khảo sát một số nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được coi là tiềm năng ở Việt Nam và đã xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển bằng nhiều hình thức, đơn cử như gió, năng lượng mặt trời... Rất nhiều các dự án điện gió, điện mặt trời được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, rót vốn triển khai.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trungnam Group (nhà đầu tư điện gió lớn nhất Việt Nam), chuyển đổi xanh là vấn đề cốt lõi để tạo ra giá trị của quá trình phát triển bền vững. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường chính là ưu tiên của các quốc gia, doanh nghiệp hiện nay. Để mục tiêu này thành công thì tất cả các doanh nghiệp cùng chuyển đổi phương thức sản xuất - kinh doanh, từng bước “xanh hóa” doanh nghiệp của mình.

Ông Tiến nhận định, với các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu của Hội nghị COP26 thì hiện nay năng lượng tái tạo đang trở thành yếu tố ưu tiên, được tất cả các quốc gia chú trọng đầu tư phát triển. Đặc biệt với cam kết đưa chỉ số phát thải ròng carbon về 0 của Việt Nam mới đây, chắc chắn đây sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của các doanh nghiệp.

Việc bắt tay với các đối tác có thực lực trong lĩnh vực năng lượng, nắm giữ các thiết bị tiên tiến, giải pháp đổi mới công nghệ hiện đại như Enercon hay Siemens Garmesa, các dự án của Trungnam Group không chỉ được đánh giá đạt tiến độ đề ra, hiệu quả kinh tế cao, rút ngắn thời gian đầu tư - hoàn vốn, mà còn cải thiện được thông số môi trường (giảm độ ồn, bụi, chất thải rắn...), giúp bảo vệ môi trường xung quanh.

Cũng tại thời điểm này, thủy điện được cho là đã hết dư địa khai thác, nhiệt điện cũng sẽ khó mở rộng quy mô khi các tổ chức tài chính quốc tế theo đuổi chính sách tín dụng xanh, quyết định không hỗ trợ vay vốn với các dự án điện than mới. Như vậy, cơ hội để năng lượng tái tạo thể hiện được giá trị của mình trong nền kinh tế cũng như mang lại sự bền vững cho từng giai đoạn phát triển đang rất hiện thực.

Không chỉ mảng năng lượng mà ngay cả lĩnh vực bất động sản cũng phải "xanh hóa" mà doanh nghiệp cũng phải là đơn vị tiên phong. Cộng đồng doanh nghiệp xác định là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, do đó, việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp họ nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.

Là một trong những doanh nghiệp nằm trong top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam, Tập đoàn Novaland đã và đang triển khai định hướng tập trung phát triển bền vững hướng đến kinh tế xanh, áp dụng hiệu quả các chính sách của Chính phủ gắn với tăng trưởng xanh.

Được biết, Novaland là một trong số ít các doanh nghiệp bất động sản đi đầu trong việc áp dụng hệ thống công trình Xanh EDGE của tổ chức IFC - World Bank trong thiết kế và thi công dự án. Nguồn nguyên liệu sử dụng được đội ngũ nghiên cứu và phát triển lựa chọn những sản phẩm thân thiện môi trường, mang đến giá trị bền vững và sức khỏe cho cộng đồng dân cư không chỉ tại các công trình của Novaland, mà các cộng đồng lân cận.

Bên cạnh đó, Novaland còn ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại vào vận hành như sử dụng năng lượng xanh, phân loại rác thải tại nguồn, nỗ lực phát triển đô thị sinh thái thông minh bền vững. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm gia tăng khối lượng và chủng loại chất thải rắn sinh hoạt.

Trong bối cảnh hiện nay, những khó khăn trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển và quản lý chất thải đang tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trước thực trạng đó, dự án “Phân loại rác thải tái chế tại các chung cư do Tập đoàn Novaland phát triển” được xây dựng dựa trên thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Novaland và Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO VN) đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện lối sống xanh, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, góp phần chung vào chiến lược xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường của Nhà nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật