Trung Quốc cân nhắc trả thêm lương cho nhân viên 'tăng ca vô hình'
Trung Quốc sẽ xem xét bảo vệ pháp lý đối với những nhân viên phải làm việc trên mạng sau giờ làm, một hình thức “làm thêm giờ vô hình” mà tòa án tối cao nước này cho rằng cần phải được trả tiền.
Trong kỳ họp Chính hiệp lần thứ hai Khóa XIV của Trung Quốc vào tuần trước, Lyu Guoquan, lãnh đạo văn phòng tổng liên đoàn công đoàn Trung Quốc, đã đề xuất rằng nước này cần tạo ra một định nghĩa pháp lý và khung lương thưởng cho những người "tăng ca trực tuyến" - những công việc như trả lời tin nhắn, yêu cầu giải quyết vấn đề công việc ngoài giờ làm.
Ngày 10/3, ông Lyu nói với Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc rằng đề xuất này đã được Chính hiệp chấp thuận và nhiều cơ quan khác của chính phủ sẽ bắt đầu thảo luận về ý tưởng này.
Hôm 8/3, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đề cập và nhấn mạnh tình trạng "tăng ca vô hình" trong báo cáo công việc trước Quốc hội Trung Quốc.
Giống như ở nhiều quốc gia, việc người dân ở Trung Quốc phải trả lời tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm việc trên các ứng dụng nhắn tin như WeChat, hay xử lý công việc trên điện thoại trong những ngày nghỉ ngày càng trở nên phổ biến.
Chánh án Zhang Jun nói rằng các tòa án Trung Quốc đã đưa ra tiêu chuẩn về "tăng ca vô hình" từ năm 2023. Ông Zhang cho biết một người được coi là làm việc ngoài giờ nếu họ đóng góp sức lao động đáng kể cho những công việc tiêu tốn thời gian rõ ràng, bao gồm cả việc online (trực tuyến). Ông nói: "Các tiêu chuẩn được đưa ra để đảm bảo rằng công việc làm thêm giờ trực tuyến được khen thưởng và bảo vệ quyền lợi được nghỉ ngơi của người lao động".
Các tòa án Trung Quốc đã cân nhắc một số vụ án liên quan đến việc thanh toán tiền làm thêm giờ trực tuyến trong những năm gần đây, trong đó có một vụ được tòa án tối cao coi là hình mẫu để các cơ quan tư pháp khác noi theo.
Đó là vụ việc một cựu nhân viên của một công ty truyền thông đã kiện thành công người chủ cũ của mình, vì người này yêu cầu anh trả lời tin nhắn công việc ngoài giờ làm việc mà không có thêm phụ cấp. Sau khi xem xét tin nhắn từ WeChat và đối chiếu với giờ làm việc chính thức của công ty, một tòa án địa phương đã ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn và yêu cầu công ty phải trả tiền làm thêm giờ.
Trong những năm gần đây, khi chính phủ và tòa án Trung Quốc tìm cách kiềm chế văn hóa làm việc 996 (bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng và kết thúc vào 9 giờ tối, tiếp diễn liên tục trong suốt 6 ngày mỗi tuần) của nước này, hiện tượng "tăng ca vô hình" đã trở thành vấn đề nóng của người lao động Trung Quốc. Một cuộc khảo sát của nền tảng tuyển dụng trực tuyến 51Job vào năm 2022 cho thấy 84,7% người lao động vẫn phải kiểm tra tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm việc.
Lou Yu, Giám đốc Viện Luật xã hội tại Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc cho biết, rất có thể sẽ xây dựng các quy định mới để quản lý việc làm thêm giờ trực tuyến. Nhưng sẽ phải mất ít nhất hai năm để xây dựng một quy định cấp bộ và thậm chí còn lâu hơn đối với một luật thuộc cấp Nhà nước.