Thống nhất trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng năm 2025
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc trình Quốc hội ban hành nghị quyết của Quốc hội về giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng năm 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, ngày 12/11, Chính phủ đã có Nghị quyết số 218/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.
Tại tiết (2), điểm 1b Mục I nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sớm tổng kết, đánh giá và tham mưu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất trong năm 2025 để có thể triển khai ngay từ đầu năm, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Ngày 17/11, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính gửi ngay hồ sơ dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 ngay trong ngày 17/11 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận |
Ngày 19/11, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự án nghị quyết giảm thuế VAT.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT, góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ. Từ đó có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.
Tuy nhiên, có một số ý kiến không đồng tình với việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT và cho rằng, chính sách giảm thuế đã được ban hành và thực hiện từ năm 2022 trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, việc này chỉ nên được coi là giải pháp tình thế trong khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, khi đại dịch đã kết thúc một thời gian dài, các chính sách ưu đãi về thuế được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn sau đại dịch cần được xem xét để thu hẹp diện áp dụng, từng bước để ổn định lại việc thực hiện các chính sách về thuế.
Quang cảnh phiên họp |
Vì vậy, việc tiếp tục đề xuất ban hành và thực hiện chính sách giảm thuế VAT là chưa thật sự phù hợp. Đồng thời, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 159/2024/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025. Do đó, với tác động dự kiến giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng từ việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT nhưng chưa được tính đến trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 có thể tác động đến việc bảo đảm dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2025.
Theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, Chính phủ đề xuất thời gian giảm thuế VAT từ ngày 1/1/2025 đến hết 30/6/2025, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đề xuất ban hành và thực thi chính sách giảm thuế VAT trong thời gian qua được thực hiện tương đối manh mún, phần nào thể hiện chất lượng của công tác dự báo và tầm nhìn của việc đề xuất ban hành chính sách, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh...
Do đó, để hướng tới sự ổn định và tính dự báo của hệ thống chính sách thuế VAT, đồng thời, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành dự kiến đang được quy định trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế VAT như được trình tại kỳ họp này, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm thuế VAT theo tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra để bổ sung thêm thông tin, đánh giá tăng tính thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét quyết định và cũng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm về việc trình hồ sơ gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp để đảm bảo dự báo tình hình, phản ứng chính sách kịp thời hơn, khắc phục tình trạng một chính sách nhưng nhiều lần trình Quốc hội, cho phép áp dụng việc giảm thuế VAT thời gian vừa qua; tổ chức thực hiện chính sách, đảm bảo mục tiêu đề ra không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, Chính phủ phải chịu trách nhiệm về điều hành thực hiện nhiệm vụ thu, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 theo nghị quyết của Quốc hội; đảm bảo nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và các nhu cầu cấp bách phát sinh.