Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
Với 463/465 phiếu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức Chính phủ
Sáng 18.2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Theo ông Tùng, trong các phiên thảo luận, đã có 121 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó có 104 ý kiến phát biểu tại Tổ và 15 ý kiến phát biểu tại Hội trường, 2 ý kiến bằng văn bản), không khí thảo luận sôi nổi, trách nhiệm; 1 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi văn bản góp ý.
Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Nhiều nội dung đã được UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) như nội dung: Về bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ (Điều 5); nguyên tắc phân định thẩm quyền (Điều 6); Về phân quyền, phân cấp, ủy quyền (các điều 7, 8 và 9); Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 32) và về một số vấn đề khác.
Ngoài các nội dung trên đây, tiếp thu ý kiến ĐBQH và đề xuất của Chính phủ tại Văn bản số 105/CP-TCCV ngày 17.2.2025, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2025.