A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Mỹ đầu tiên trở thành Giáo hoàng

Lịch sử Giáo hội Công giáo vừa sang trang mới: Lần đầu tiên, một người Mỹ - Hồng y Robert Francis Prevost - đã được chọn làm Giáo hoàng, lấy tước hiệu Leo XIV.

Người Mỹ đầu tiên trở thành Giáo hoàng

Hồng y Robert Francis Prevost trong chuyến thăm Chulucanas, Peru, năm 2024. Ông được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 8.5.2025, lấy tước hiệu Leo XIV. Ảnh: AFP

Việc bầu chọn diễn ra nhanh chóng, chỉ sau 2 ngày mật nghị hồng y tại Vatican.

Tối 8.5 theo giờ Rome, hàng chục nghìn tín hữu tại quảng trường St. Peter đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử: Từ ban công của Vương cung Thánh đường, tân Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện, mở lời bằng thông điệp giản dị mà sâu sắc.

“Bình an ở cùng anh chị em" - tân Giáo hoàng nói, gửi đi “lời chào đầu tiên của Đấng Phục Sinh”, đồng thời bày tỏ mong muốn thông điệp bình an ấy sẽ lan tỏa vào từng trái tim, từng mái ấm gia đình.

Câu nói đầu tiên ấy là lời chào của một vị Giáo hoàng xuất thân từ một hành trình độc đáo - sinh ra ở Chicago (Mỹ), từng là nhà truyền giáo tại Peru và có một quá trình mục vụ gắn bó với người nghèo, người bản địa tại Mỹ Latinh.

Ông Robert Francis Prevost, 69 tuổi, từng có một thập kỷ phục vụ tại giáo phận Trujillo, Peru, trước khi trở thành Giám mục Chiclayo.

Ông được cố Giáo hoàng Francis phong Hồng y năm 2023, đồng thời bổ nhiệm làm Tổng trưởng Thánh bộ Giám mục - cơ quan quyền lực tại Vatican chuyên giám sát và đề cử các giám mục trên toàn cầu. Vai trò đó khiến ông trở thành một trong những ứng viên sáng giá cho cương vị Giáo hoàng trong mật nghị lần này.

Mật nghị Hồng y lần này quy tụ 133 vị hồng y cử tri, trong đó một người cần ít nhất 89 phiếu để được bầu làm Giáo hoàng. Chỉ sau 2 ngày và một vài vòng bỏ phiếu, Hồng y Prevost đã đạt đủ số phiếu cần thiết.

Trước đó, Giáo hoàng Francis, người Argentina, đã qua đời hôm 21.4 ở tuổi 88, chỉ một ngày sau khi chủ sự Thánh lễ Phục sinh. Ông là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh và là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên nắm giữ ngôi vị này. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn trong lòng các tín hữu và mở ra thời khắc chuyển giao mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

Việc một người Mỹ trở thành Giáo hoàng lần đầu tiên trong lịch sử không chỉ là dấu mốc đáng chú ý đối với Giáo hội mà còn gây sự quan tâm đặc biệt về mặt ngoại giao và địa chính trị.

Trước làn sóng xung đột và chia rẽ toàn cầu, Giáo hoàng Leo XIV được kỳ vọng sẽ là cầu nối thúc đẩy hòa bình, tiếp nối di sản của người tiền nhiệm và mang tinh thần đối thoại, bác ái của Giáo hội đến gần hơn với thế giới hiện đại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật