Người dân khát nước sạch bên kho nước lớn chưa được sử dụng
Đắk Lắk - Rất nhiều người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột đang thiếu nước sạch, trong khi vẫn có nhà máy nước chỉ vận hành 15-20% công suất là gây lãng phí lớn.
Nhiều người dân thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đang thiếu nước sạch để sử dụng trong mùa khô. Ảnh: Bảo Trung
Người dân khát nước sạch
Anh Lê Minh Tuấn (trú tại xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột) ngán ngẩm cho biết, một tuần qua, khu vực anh sinh sống liên tục bị cắt nước máy vào nhiều khung giờ trong ngày.
"Vấn đề nằm ở chỗ, người dân đang khát nước sạch nhưng nhà máy cấp nước không có động thái hỗ trợ người dùng" - anh Lê Minh Tuấn cho hay.
Ngày 3.3.2017, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cấp nước liên xã huyện Cư Kuin.
Dự án này sẽ bổ trợ nguồn nước sinh hoạt (dẫn bằng đường ống) cho thành phố Buôn Ma Thuột, với công suất 20.000 m³/ngày. Dự án do Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 320 tỉ đồng. Dự án chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4.2019.
Sau đó, công ty này ký hợp đồng mua bán nước với Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk (nay là Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk - Dakwaco).
Theo hợp đồng có hiệu lực đến năm 2038, mỗi ngày Dakwaco mua 15.000m³ nước. Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2025, Dakwaco dừng hẳn việc mua nước sạch từ đối tác.
Trong khi đó, với vai trò là nhà đơn vị phủ sóng việc cấp nước ở thành phố Buôn Ma Thuột nhưng Dakwaco lại không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Sự việc này khiến nhiều hộ tại xã Cư Êbur, Hòa Thuận... (thành phố Buôn Ma Thuột) rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Dự án cấp nước liên xã huyện Cư Kuin và bổ trợ nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Buôn Ma Thuột hoạt động chưa hết công suất. Ảnh: Bảo Trung
Không mua thêm nước để bán cho dân
Trước tình trạng người dân thiếu nước sạch, Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột đề xuất bán nước trở lại cho Dakwaco với giá 5.379 đồng/m³ (chỉ bằng 1/3 mức giá do cơ quan chức năng quy định) nhưng không thành.
Ông Lê Quốc Nam - Giám đốc Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột - cho biết, nhà máy của chúng tôi mới hoạt động từ 15-20% công suất.
"Chúng tôi chấp nhận bán lỗ chỉ để duy trì hoạt động và trả lãi ngân hàng nhưng không được. Việc đầu tư nhà máy lớn nhưng sử dụng không hết là lãng phí" - ông Nam khẳng định.
Trước đó, năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản số 3893/UBND-KT về việc thực hiện cam kết mua nước của Dakwaco.
UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định, Dakwaco không thực hiện mua nước của Công ty TNHH cấp nước Buôn Ma Thuột là chưa đảm bảo đúng các quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
UBND tỉnh yêu cầu Dakwaco nghiêm túc thực hiện việc mua nước với sản lượng, giá cả theo đúng nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước.
Theo tìm hiểu, tại thành phố Buôn Ma Thuột, mỗi mét khối nước máy người dân đang sử dụng có giá 14.900 đồng/m3 (chưa bao gồm các loại thuế phí).
Nếu Dakwaco chấp thuận mua nước giá rẻ từ Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột thì sẽ có lợi cho người dân trong việc giảm giá thành. Quan trọng nhật người dân sẽ không thiếu nước trong mùa khô.
Dự án cấp nước liên xã huyện Cư Kuin và bổ trợ nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Buôn Ma Thuột chưa phát huy hết tiềm năng. Ảnh: Bảo Trung
Trong khi đó, ông Đỗ Hoàng Phúc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dakwaco - quả quyết rằng: "Doanh nghiệp đã đủ nguồn nước để cung cấp cho người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột".
"Chúng tôi không cần phải mua thêm nước từ Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột. Nếu thấy công ty vi phạm hợp đồng thì Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột có thể khởi kiện" - ông Đỗ Hoàng Phúc quả quyết.
Lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: "An ninh nguồn nước là rất quan trọng. Doanh nghiệp cấp nước phải có trách nhiệm cung ứng đủ nước sạch cho người dân sinh hoạt trong mùa khô.
Người dân vùng hạn không thể mãi dùng nước ngầm không đảm bảo an toàn, nhiễm phèn ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hiện ở vùng cuối mạng lưới, đường ống cấp nước yếu, người dân thiếu nước. Chúng tôi sẽ yêu cầu Dakwaco nghiên cứu có phương án để xử lý tình trạng này".